Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
55 tỉnh thành phố có kịch bản cung ứng hàng hóa thiết yếu đối phó covid-19 theo 5 cấp độ
Thế Hoàng - 20/03/2020 09:01
 
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản cung ứng hàng hóa thiết yếu nhằm đối phó với dịch bệnh covid-19 theo 5 cấp độ.
Ngành Công Thương khẳng định, trong , trong bất cứ tình huống nào cũng không để thiếu hàng hóa thiết yếu.
Ngành Công Thương khẳng định, trong bất cứ tình huống nào cũng không để thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho người tiêu dùng cả nước..

Sẵn sàng đưa hàng hóa vào vùng dịch

Cuối giờ chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị trong Bộ về về tình hình cung ứng hàng hoá với thông điệp, trong bất cứ tình huống nào cũng không để thiếu hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, các phương án dự phòng cần được sẵn sàng, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành…  vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, và kịch bản đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch.

"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng  Vụ Thị trường trong nước khằng định.

Riêng Hà Nội, phương án chuẩn bị lượng hàng dự trữ đã được Sở Công Thương tính toán, bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh.

Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Cụ thể: Gạo 46.485 tấn; thịt lợn 9.297 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm 3.099 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; Dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; Rau củ 51.650 tấn; Thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; Thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó định mức cho 01 người trong 30 ngày, gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0.15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35 kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc: 60 gói.

Tổng lượng hàng cần thiết là: Gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75 nghìn quả; muối ăn, bột canh 750 kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 nghìn gói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Với trách nhiệm của một Bộ quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa. Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia, bởi Thủ tướng đã chỉ đạo rồi phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đời sống của người dân cần được ưu tiên hàng đầu”.

[Infographic] Ngành nông nghiệp đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong nước
Với sức chăn nuôi và sản xuất như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư