Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi
Phan Long - 15/02/2014 09:35
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc cắt giảm 100.000 biên chế là hoàn toàn khả thi, nhưng phải quyết liệt, vì sau nhiều năm thực hiện tinh giản, biên chế đã... tăng thêm 20% Công chức nhiều bằng cấp giỏi, vẫn phải cầm tay chỉ việc >5 năm tinh giản, biên chế tăng 20%

Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ về tinh giản 100.000 biên chế từ nay đến năm 2020 với kinh phí hỗ trợ người thuộc diện tinh giản ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thực tế, việc tinh giản biên chế đã được Chính phủ thực hiện từ hơn 10 năm nay, nên tôi không bất ngờ với chủ trương này và cho rằng, việc Bộ Nội vụ xây dựng Dự thảo xét về mặt chính sách là cần thiết.

Ông Bùi Sỹ Lợi: 6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi

Kể cả trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính khi mà việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả.

Dù vậy, tôi không hoàn toàn đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, số tiền 8.000 tỷ đồng để chi trả cho công chức thuộc diện tinh giản là lãng phí.

Tôi cho rằng, vấn đề không phải là 8.000 tỷ đồng hay có thể nhiều hơn, hoặc ít hơn, mà phải có phương pháp tính toán, định lượng chuẩn xác, hợp lý để chứng minh cho con số đó.

Còn việc hỗ trợ cho số công chức phải nghỉ hưu sớm hay dừng hợp đồng lao động để họ tìm việc làm mới, hoặc đảm bảo cuộc sống một thời gian đầu sau khi nghỉ việc là cần thiết.

Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng, việc cho nghỉ hưu sớm hàng chục ngàn công chức có thể gây mâu thuẫn trong chính sách về tuổi hưu khi Chính phủ đang dự tính sẽ triển khai việc tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016. Nhưng theo tôi, không có gì mâu thuẫn, vì đây là hai việc khác nhau. Số lượng biên chế có thể giảm, nhưng hiệu quả công việc không thay đổi, lại tiết kiệm được quỹ lương, thì không có vấn đề gì.

Đúng như ông nói, việc tinh giản biên chế thời gian qua chưa hiệu quả, nên nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ tính thực tiễn của Dự thảo, khi đề ra việc cắt giảm một lượng biên chế khổng lồ 100.000 người. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi là người theo sát vấn đề này từ lâu, nên chứng kiến rõ ràng sự thành bại của việc cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế nhiều năm qua.

Thực tế, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm tới 20%. Đành rằng, số lượng tuyệt đối của đội ngũ công chức có thể phải tăng thêm do yêu cầu công việc ngày càng lớn song hành với tỷ lệ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tăng tới 25% sau 10 năm, trong khi vẫn đang thực hiện tinh giản là điều khó có thể chấp nhận.

Do đó, hoàn toàn dễ hiểu và có cơ sở để dư luận hoài nghi về tính thực tiễn của Dự thảo, khi chỉ còn hơn 6 năm mà phải cắt giảm tới 100.000 người.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc này không quá khó và hoàn toàn khả thi nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, có cách làm khoa học, công khai, minh bạch với quyết tâm chính trị cao, thay vì làm một cách nửa vời như thời gian qua.

Việc Dự thảo đặt quyền quyết định lựa chọn người bị tinh giản biên chế vào tay người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo ông, có là cách làm khoa học và công bằng?

Mấy ngày qua, tôi có nghe dư luận băn khoăn về tính công bằng, minh bạch khi Dự thảo đặt vai trò quyết định giảm biên chế vào tay người đứng đầu đơn vị, nên dễ xảy ra tình trạng lợi dụng giảm biên chế để trù dập, bè phái, tiêu cực về tiền bạc hay nâng đỡ người quen khiến người có thực lực có khi lại mất việc, kẻ yếu kém lại tại vị.

Quả thật, như đã nói ở trên, quá trình hơn 10 năm thực hiện tinh giản biên chế cho thấy, đây không phải chỉ là tin đồn. Nhiều đơn vị, biên chế thậm chí còn tăng lên, thay vì giảm đi.

Tuy nhiên, nếu quy định các tiêu chí, định mức thực hiện công việc và các tiêu chuẩn khác một cách chi tiết, cụ thể, chặt chẽ và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo khó có thể một mình thay đổi được kết quả, việc tiêu cực sẽ khó hơn rất nhiều.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư