Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
63% đồ thể thao Decathlon sản xuất tại Việt Nam được xuất sang châu Âu
Hồng Sơn - 07/08/2019 11:11
 
Decathlon, một doanh nghiệp của Pháp sở hữu nhiều thương hiệu thể thao độc quyền, đang có nhiều động thái mở rộng các hoạt động tại Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Online – baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng bộ phận thu mua và logistics của Decathlon Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất lớn trên toàn cầu của doanh nghiệp này.

Decathlon bắt đầu có cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1995, đến nay có hơn 100 đối tác là các nhà máy sản xuất, đang từng ngày sản xuất và chuyển đi hàng chục triệu sản phẩm đến các cửa hàng khác nhau trên toàn thế giới.

Trong số các đối tác tại Việt Nam, có 39 nhà sản xuất cấp 1 (sản xuất trực tiếp và hoàn thiện đến khâu cuối của sản phẩm) và số còn lại là nhà sản xuất cấp 2 (sản xuất một phần các sản phẩm) với tổng số lao động tại các nhà máy này lên đến 80.000 người.

Đai diện Decathlon và DHL Global Forwarding chia sẻ thông tin về hợp tác.
Đai diện Decathlon và DHL Global Forwarding chia sẻ thông tin về hợp tác.

Theo đại diện của Decathlon, chiến lược của doanh nghiệp này là không xây dựng các cơ sở sản xuất lớn, thay vào đó, sẽ tìm kiếm thêm các đối tác để mở rộng sản xuất tại các thị trường tiềm năng.

“63% đồ thể thao Decathlon sản xuất tại Việt Nam được xuất sang châu Âu”, bà Thảo thông tin và cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đưa hàng sang châu Âu. Decathlon sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam theo hướng đầu tư cho các hoạt động R&D và tìm kiếm thêm các đối tác sản xuất.

Tại Việt Nam, Decathlon đã bán hàng trực tuyến các sản phẩm từ năm 2017. Nắm bắt các yếu tố thuận lợi đang đến nhiều hơn, Decathlon mới đây đã quyết định mở liên tiếp 2 cửa hàng bán sản phẩm tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô lần lượt là 4.300 m2 và hơn 2.500 m2, đem đến các mặt hàng của hơn 70 môn thể thao khác nhau tại mỗi cửa hàng.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng các cửa hàng bán lẻ truyền thống, kết hợp với hoạt động bán hàng trực tuyến, đồng thời nỗ lực để đảm bảo rằng quy trình sản xuất và logistics hoạt động hiệu quả để có thể đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng”, đại diện của Decathlon thông tin.

Đó cũng là lý do mà Decathlon và DHL Global Forwarding, nhà cung cấp hàng đầu thế giới với các dịch vụ đường hàng không, đường biển và đường bộ vừa công bố việc hợp tác cung cấp một chuỗi cung ứng quốc tế toàn diện.

Ông Marc Meier, Phó Chủ tịch Cấp cao, Giám đốc Toàn cầu bộ phận Dịch vụ chuỗi cung ứng quốc tế của DHL Global Forwarding cho biết, doanh nghiệp vận hành Trung tâm điều hành với điểm liên lạc đầu mối tại Việt Nam và Đài Loan cho mọi hoạt động của Decathlon. Trung tâm này sẽ giám sát tất cả những lô hàng của Decathlon bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ từ các nhà máy tại Việt Nam và Đài Loan đến các nơi trên thế giới như Brazil, Canada, Trung Quốc, Colombia, châu Âu, Ấn Độ, Malaysia, Ma-rốc, Singapore…

DHL là thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, hiện có khoảng 380.000 nhân viên làm việc tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, DHL ghi nhận mức doanh thu 61 tỷ euro.

Decathlon là chuỗi sở hữu nhiều thương hiệu thể thao độc quyền từ năm 1976. Tính đến giữa năm 2019, Decathlon có hơn 95.000 nhân viên, hiện làm việc tại 57 quốc gia, với thông điệp chính “Mang niềm vui và lợi ích của hoạt động thể thao đến với nhiều người”.

Thương mại điện tử kéo logistics phát triển
Doanh nghiệp logistics có nhiều cơ hội tăng trưởng, mà một trong những cú hích là sự tăng tốc của lĩnh vực thương mại điện tử.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư