Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
9 cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5
Thanh Thuý - 06/05/2014 05:55
 
 Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/5 của một số công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Một doanh nghiệp ngành giấy chào bán 1,4 triệu cổ phần
Tháng 5, bán chứng khoán và đi chơi?
Chờ đột phá từ kết quả kinh doanh
Thị trường điều chỉnh: Cơ hội vàng mua cổ phiếu
Mandarin Garden đóng góp 25% lợi nhuận quý I/2014 cho Hòa Phát

1. HPG: Khuyến nghị MUA

(CTCK Vietcombank – VCBS)

9 cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5, Hòa Phát

Doanh thu thuần quý I/2014 đạt 6.515,5 tỷ đồng (+65% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 28,3% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 910,2 tỷ đồng (+89,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả quý I tăng trưởng mạnh là do có sự đóng góp lớn từ mảng sản xuất thép và bất động sản.

Ngành thép trong quý I vẫn diễn biến đi ngang, cung, cầu thép xây dựng có sự tăng trưởng nhẹ. Ngoài ra, mức xuất khẩu có xu hướng tăng trong khi nhập khẩu có xu hướng giảm.

Với tiềm năng tăng trưởng tốt, cùng với vị thế dẫn đầu, EPS 2014 (đã xem xét việc pha loãng cổ phiếu) ước đạt 4.731 đồng, P/E forward là 10 lần, thấp hơn mức trung bình của ngành thép (khoảng 11 lần). Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị MUA HPG.

2. BMP: Khuyến nghị NẮM GIỮ

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, BMP có kết quả kinh doanh khá tốt khi doanh thu đạt 2.132 tỷ đồng (+10,8% so với năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 499 tỷ đồng (+4% so với năm ngoái), chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 30%. ROA và ROE của BMP dẫn đầu toàn ngành Nhựa vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, công ty con của Nhựa Bình Minh tại miền Bắc mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong kết quả kinh doanh chung trong khi đó khoản đầu tư tại CTCP Nhựa Đà Nẵng không mang lại hiệu quả như mong muốn (BMP sẽ bắt đầu tiến hành thoái vốn trong năm nay).

Đầu tư dài hạn trị giá 18 tỷ đồng tại Quỹ đầu tư Bản Việt đã được tất toán trong năm 2013 với khoản lỗ 3,5 tỷ đồng nhưng đã được trích lập dự phòng từ các năm trước đó. Năm 2014, BMP đặt mục tiêu thận trọng với sản lượng tăng lên mức 53.500 tấn (+6% so với năm trước), doanh thu tăng trưởng nhẹ 5,4% lên 2.200 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng (+0,2% so với năm trước). Chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 20%.

Tại ĐHCĐ, BMP đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với sản lượng 10.908 tấn (+15% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 20,4% kế hoạch), doanh thu đạt 523 tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 23,8% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế ở mức 107 tỷ đồng (+2% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 21,4% kế hoạch). Nguồn vốn đầu tư trong năm nay chủ yếu tâp trung vào hai vấn đề chính là dự án Nhà máy số 4 tại Long An giai đoạn 1 (230-300 tỷ đồng) và kế hoạch tăng cường năng lực cạnh tranh (116 tỷ đồng).

Theo đánh giá của chúng tôi, vào thời điểm hiện tại, BMP là công ty có tình hình tài chính lành mạnh nhất trong số các doanh nghiệp ngành nhựa. Về năng lực quản trị, so sánh với đối thủ chính là NTP, BMP quản lý chi phí tốt hơn nên đạt mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn mặc dù doanh thu thấp hơn NTP; do đó, việc đạt được kế hoạch SXKD của năm 2014 là hoàn toàn khả thi, P/E forward ~ 9,2x lần (thấp hơn NTP = 10,6 lần). Tiềm năng tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, quan ngại đầu tư chủ yếu ở yếu tố giá vốn hàng bán chiếm 70% doanh thu của công ty và thanh khoản cổ phiểu ở mức thấp. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu BMP.

3. DHG: PE vẫn tương đối thấp

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014 vào thứ Hai, ngày 28/04/2014.

Đại hội thông qua kết quả kinh doanh 2013 với 3.527 tỷ đồng doanh thu (+20,3%) và 782 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+33,6%). Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh hơn doanh thu chủ yếu do trong 2013 công ty đã ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng thương hiệu Eugica (122 tỷ đồng).

ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của công ty, tỷ lệ 3:1. Như vậy, sau phát hành, vốn điều lệ của DHG sẽ tăng lên gần 872 tỷ đồng. Ngoài ra, Đại hội cũng quyết định nâng cổ tức tiền mặt 2013 từ 2.500 lên 3.000 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức gần 2,5%. Lưu ý là DHG đã tạm ứng đợt 1 vào tháng 8/2013 1.500 đồng/cp. Mức còn lại sẽ được chi trả sau khi tăng vốn điều lệ.

DHG đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế từ HĐKD chính năm 2014 tăng trưởng 10% và 6%, đạt lần lượt 3.880 và 686 tỷ đồng. Lưu ý, lợi nhuận trước thuế trên chưa bao gồm khoản trích lập quỹ phát triển KHCN (5% lợi nhuận trước thuế) và các khoản thu nhập tài chính (48 tỷ) cũng như thu nhập bất thường từ thương vụ Eugica. Cổ tức tiền mặt 2014 dự kiến ở mức 2.500 đồng/cp.

Tổng diện tích đất của DHG tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh  khoảng gần 8 ha. Tỷ lệ xây dựng được phép là 55%, sau khi xây dựng nhà máy Bao bì và 2 nhà máy Betalactam, Non-betalactam thì diện tích đất còn lại chưa sử dụng khoảng 2ha. Công ty đang tìm kiếm đối tác để khai thác phần đất này, có thể liên doanh liên kết để sản xuất các sản phẩm đặc trị, ít cạnh tranh.

Doanh thu thuần quý I đạt gần 728 tỷ đồng, giảm 6% chủ yếu do doanh thu từ hệ điều trị (ETC) giảm mạnh 35%. Quý I hàng năm thường là mùa cao điểm của ETC. Tuy nhiên, khó khăn ở kênh phân phối này vẫn chưa được giải quyết, một số hợp đồng thầu của DHG đã hết hạn từ quý II/2013. Trong khi đó doanh thu từ kênh thương mại (OTC) trong quý I/2014 chỉ tăng nhẹ khoảng 6% so với cùng kỳ, không đủ để bù đắp sự sụt giảm của doanh thu từ ETC. Không còn phân phối hàng Eugica cho đối tác Thái Lan, doanh thu từ hàng sản xuất đóng góp hơn 91% doanh thu quý I/2014, so với mức 86% của cùng kỳ. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện đáng kể từ 44,8% trong quý I/2013 lên 52,4% trong quý I/2014 giúp lợi nhuận gộp quý I/2014 tăng 10,3%, đạt 381 tỷđồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 chỉ tăng nhẹ gần 2%, đạt 118,4 tỷ đồng chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu của DHG đã tăng 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 32% trong quý I/2014. DHG đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 13x, so với bình quân ngành 14x và bình quân các công ty trong khu vực khoảng 18x. 

4. VOS: Khuyến nghị THEO DÕI

(CTCK Vietcombank – VCBS)

2013 vẫn là một năm thua lỗ nữa của VOS khi lợi nhuận sau thuế đạt -194 tỷ đồng, vượt xa so với mức lỗ 35 tỷ đồng năm 2012 và không thể hoàn thành kế hoạch lãi 7 tỷ đồng mặc dù trong năm VOS đã thu về lợi nhuận hơn 210 tỷ đồng từ việc bán tàu. Công ty đặt kế hoạch năm 2014 lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng dựa vào dự báo tăng cao của giá cước vận tải biển so với năm trước và mục tiêu bán 2-3 tàu. Tuy nhiên thị trường vận tải biển chưa ổn định với cung cầu thay đổi bất thường, ảnh hưởng lớn đến các công ty chủ yếu chở hàng theo chuyến như VOS. Do đó chúng tôi cho rằng các giả định đặt ra vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chỉ khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu VOS.

5. PMC: Khuyến nghị THEO DÕI

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, PMC đạt 357,3 tỷ đồng doanh thu thuần (+17,8% so với năm trước; 113% kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế đạt 55,6 tỷ đồng (+25,2% so với năm trước; 145% kế hoạch). Kết quả kinh doanh tốt của công ty được thúc đẩy bởi doanh số mặt hàng chủ lực BAR tăng và giá bán một số mặt hàng cũng tăng.

Năm 2014, PMC đặt ra kế hoạch khá thận trọng so với năm 2013. Doanh thu kế hoạch tăng 2,2% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế kế hoạch giảm 15,85 so với năm trước.

Ban lãnh đạo của công ty khá quan ngại về hoạt động đấu thầu tập trung bắt đầu được thành phố thực hiện từ đầu năm nay cùng với tình hình biến động giá nguyên liệu, thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp. Với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thận trọng, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành của PMC trong năm 2014. Tuy nhiên, chung tôi cũng đặt ra quan ngại về khả năng tăng trưởng kết quả kinh doanh của PMC.

Với EPS forward kế hoạch đạt 5.014 đồng, P/E forward của PMC đạt 9,9 lần. Xét về tiềm năng và quy mô của doanh nghiệp, đây là mức P/E phù hợp cho cổ phiếu PMC. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu PMC.

6. CSM: Khuyến nghị MUA VÀO

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Dự án lốp radial hứa hẹn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho CSM đã bắt đầu sản xuất thương mại kể từ tháng 5/2014 với chi phí đầu tư thấp hơn dự toán khá nhiều. Mặc dù khi nhà máy mới đi vào hoạt động chi phí khấu hao và lãi vay sẽ tăng mạnh tuy nhiên hiện nay giá cao su tiếp tục giảm, lãi suất duy trì ở mức thấp và tỷ giá tương đối ổn định, thêm vào đó CSM còn có khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn dự án BĐS. Do đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2014 sẽ chỉ giảm 13% so với năm trước đạt khoảng 420 tỷ đồng, EPS vẫn ở mức khá, khoảng 4.874 đồng/CP.

Theo đó PE forward hiện nay khoảng 8,2x, không quá cao đối với công ty có tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên thị trường hiện nay có thể sẽ đi ngang do đó chúng tôi cho rằng nhà đầu tư xem xét mức giá hấp dẫn hơn để MUA CSM cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

7. PGD: Khuyến nghị NẮM GIỮ

(CTCK Vietcombank – VCBS)

PGD đặt mục tiêu thấp năm 2014 cao hơn so với thực hiện năm 2013 với doanh thu đạt 7.024 tỷ đồng (+9,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng (-30% so với năm trước).

Kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu đạt 1.465 tỷ đồng (+4,4% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 21% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 46 tỷ đồng (-43,2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 32% kế hoạch. EPS trailing là 4.288 đồng/cp, P/E tại mức giá 45.400 đồng/cp là 10,6 lần, khá hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, cần lưu ý về khả năng pha loãng EPS do công ty sắp phát hành thêm 17 triệu cổ phiếu. Với giả định PGD sẽ chốt quyền mua và nhận cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu trong tháng 5, sau đó phát hành cho GAS và ESOP trong tháng 6, chúng tôi đã tính toán rằng EPS 2014 sẽ chỉ đạt khoảng 3.312 đồng/cp, giảm khoảng 22,8% so với số trailing.

Ngoài ra, thị giá cổ phiếu PGD cũng sẽ được HOSE điều chỉnh giảm vào ngày giao dịch không hưởng quyền. Giả định nhà đầu tư mua PGD tại mức giá 45.400 đồng/cp và giữ nguyên đến ngày giao dịch XR thì giá vốn sẽ điều chỉnh về khoảng 35.700 đồng/cp, khi đó P/E 2014 sẽ đạt 10,8 lần. Chúng tôi cho rằng đây là mức P/E khá cao so với các cổ phiếu trong họ dầu khí khác như PGS, CNG... nhưng vẫn đạt xấp xỉ mức P/E bình quân trên sàn HOSE. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu PGD.

8. DIG: Khuyến nghị THEO DÕI

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, Tổng CTCP đầu tư phát triển xây dựng (DIG) hợp nhất đạt 753 tỷ doanh thu thuần (-2% so với năm trước, hoàn thành 121% kế hoạch) và 42 tỷ lợi nhuận sau thuế (+5,5 lần so với năm trước, hoàn thành 48% kế hoạch). Các mảng hoạt động chính của DIG là xây lắp, bán dự án BĐS và kinh doanh BĐS chưa có sự cải thiện nhiều, tỉ suất lợi nhuận gộp đều giảm. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh chủ yếu là do: các đầu chi phí khác giảm khá (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý giảm lần lượt -15%; -9% và -10% so với năm trước); DIG có lợi nhuận đột biến từ các khoản khác đạt 38,5 tỷ (năm ngoái chỉ đạt 150 triệu) và khoản lãi 16,8 tỷ từ liên doanh liên kết (năm ngoái lỗ 339 triệu).   

Năm 2013, DIG đã đầu tư vào 13 dự án với tổng mức đầu tư 610 tỷ, DIG đã giải ngân 407 tỷ. Năm 2014, DIC dự định đầu tư vào 15 dự án với tổng mức đầu tư 450,9 tỷ.  

Năm 2014, DIG hợp nhất đặt kế hoạch đạt 950 tỷ doanh thu (+26% so với năm trước) và 90 tỷ lợi nhuận sau thuế (+114% so với năm trước). Trong quý III/2014, DIG sẽ trả cổ tức 25% của năm 2012 và 2013 bằng cổ phiếu. Ngoài ra, DIG dự định phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu (trả nợ trực tiếp, lãi suất thả nổi), kỳ hạn 5 năm (trả lãi 6 tháng/lần).

Trên cơ sở thị trường bất động sản đã có đã có nhiều dấu hiệu ấm lại từ cuối năm ngoái, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh BĐS và kinh doanh dự án của DIG năm nay sẽ khởi sắc hơn. Với kết quả đạt được, EPS năm 2013 của DIG đạt 381 đồng/cổ phiếu. EPS forward (theo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2014) ước đạt 767 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá 16.700 đồng/cổ phiếu tại ngày 29/04/2014, P/E trailing của cổ phiếu DIG đạt 43.x lần; P/E forward đạt 21,x lần – theo chúng tôi là quá cao so với TB thị trường. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu DIG trên quan điểm đầu tư dài hạn.

9. OGC: Khuyến nghị BÁN RA

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, OGC hợp nhất đạt doanh thu 2.623 tỷ (+89% so với năm trước; +1% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế 221 tỷ (+26% so với năm trước, +2,5 lần kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế 87 tỷ (-7% so với năm trước). Lợi nhuận sau thuế năm 2013 giảm mạnh chủ yếu là do: chi phí giá vốn tăng mạnh hơn mức tăng doanh thu, các đầu chi phí khác tăng mạnh (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng lần lượt +37%; +125% và +25% so với năm trước) và khoản lỗ đột biến từ các khoản khác đạt -51 tỷ (năm ngoái lãi 18 tỷ).

Đối với triển vọng OGC trong năm 2014, trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, VCBS thấy có 3 dự án đáng chú ý là VNT Hạ Đình, Cột Đồng Hồ - Time Tower, Gia Định Plaza. Tuy nhiên các dự án này mới đang ở bước đầu triển khai và thời gian xây dựng dự kiến dài (trung bình 3 năm). Đối với chuỗi siêu thị Ocean Mart mà OGC dự kiến đẩy mạnh với kế hoạch tăng mạnh số lượng từ 7 lên 25 siêu thị trong năm 2014 và lên đến 70 – 80 siêu thị đến 2015 nhằm phủ sóng thị trường, chúng tôi cho rằng 2 năm này sẽ là năm mà OGC đầu tư và phát triển hoạt động, mạng lưới chứ chưa phải là 2 năm gặt hái doanh thu, lợi nhuận đột biến.

Thêm vào đó, OGC đang có hệ số Nợ/Tổng tài sản rất cao 65%. Nợ chịu lãi/Nợ phải trả đạt lên tới 3.627 tỷ, chiếm 32% tỉ trọng tổng tài sản. Trong đó, vay ngắn hạn phải trả lên tới 1.550 tỷ mà tiền và tương đương tiền cuối kỳ chỉ đạt 448 tỷ do vậy áp lực trả nợ trong thời gian tới của OGC đang là rất lớn.

EPS năm 2013 đạt 185 đồng. EPS forward (theo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2014) ước đạt 210 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá 10.900 đồng/cổ phiếu ngày 29/04/2014, P/E trailing của cổ phiếu OGC đạt 59,x lần; P/E forward đạt 5,x lần – theo chúng tôi là quá cao so với TB thị trường. Do đó, chúng tôi khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu OGC.

Nhà đầu tư lừng danh Marc Faber đến Việt Nam

Nhà đầu tư lừng danh Marc Faber đến Việt Nam

TS. Marc Faber, nhà tư vấn đầu tư huyền thoại và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới sẽ đến Việt Nam theo lời mời của Ban Tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2014.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư