Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
ABBank có quyền Tổng giám đốc mới
T.V - 30/01/2023 20:02
 
ABBank chính thức giao bà Lê Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc kể từ ngày 30/1/2023.

HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa có quyết định cử bà Lê Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc Ngân hàng, thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/01/2023.

Ông Nguyễn Mạnh Quân thôi đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBANK theo nguyện vọng cá nhân, nhưng sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực ABBank.

Việc HĐQT cử bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBANK thể hiện ưu tiên tăng cường công tác điều hành kinh doanh theo chiến lược bán lẻ và thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi, thực thi các mục tiêu trung hạn giai đoạn 2021-2025 với định hướng lấy Khách hàng làm trọng tâm.  

Bà Lê Thị Bích Phượng sinh năm 1977, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Cử nhân Tiếng Anh – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Bà Phượng có 19 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có kinh nghiệm chuyên sâu trong mảng kinh doanh  bán lẻ và phát triển kênh phân phối, từng đảm nhận nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của Ngân hàng như Giám đốc khu vực ở Hà Nội, Giám đốc Vùng, Giám đốc Bán hàng và kênh phân phối miền Nam, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân, Thành viên Ban Điều hành Techcombank giai đoạn chuyển đổi 2016 - 2020… 

Trước đó, bà Lê Thị Bích Phượng đã được Hội đồng quản trị tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Phó tổng Giám đốc tại ABBank từ ngày 02/12/2022.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm 2022, ABBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.686 tỷ đồng, triển khai công tác tái cơ cấu với việc thực thi nhiều dự án lớn nhằm đổi mới mô hình kinh doanh toàn hệ thống theo hướng chuyển đổi số.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ABBank đạt 130.080 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2021. Ở mảng kinh doanh trọng yếu, ABBANK vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định: Dư nợ tín dụng ghi nhận con số 88.529 tỷ đồng, tương đương tăng 12,6% so với cùng kỳ; Huy động từ khách hàng đạt 91.837 tỷ đồng, tăng 15,9% với năm 2021.

Từ đó, đảm bảo cho ABBank có khả năng thanh khoản ổn định, thu nhập thuần từ lãi đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Số dư CASA cũng tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 12.614 tỷ đồng. Năm qua, ABBank cũng đã triển khai nhiều dự án sáng kiến chiến lược tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi và kinh doanh trên nền tảng số và sự phát triển của ABBank theo kế hoạch chiến lược trung hạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm.

Năm 2022, ABBank đạt 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch đại hội cổ đông đã thông qua.

ABBank thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận nửa đầu năm nhờ giảm dự phòng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 vừa được công bố, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) báo lãi trước thuế hơn 1.086 tỷ đồng, tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư