Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng khá, đạt mức 6,7 - 6,8% trong 2 năm tới
Thanh Huyền - 03/04/2019 12:31
 
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020, lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%/năm.

Kinh tế 2018 tăng trưởng tích cực

Sáng 3/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019.

Theo báo cáo của ADB, kinh tế Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 6,85 năm 2017 lên 7,1% năm 2018, đây là tố độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua.

Điểm lại các yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm vừa qua, ADB nhấn mạnh, đáng khích lệ là tăng trưởng không làm gia tăng áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân giữ ở mức 3,5% trong năm 2018 cũng giống như 2017, vẫn dưới mục tiêu 4,0%. Lạm phát cơ bản bình quân 1,5%, chỉ thay đổi một chút so với năm trước.

Theo ADB, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng được củng cố trong năm qua. Tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, tăng từ mức tương đương 2,9% GDP trong năm 2017 lên khoảng 3,0%, nhờ thặng dư cán cân thương mại khoảng 7 tỷ USD và doanh thu dịch vụ ổn định. Luồng vốn FDI và đầu tư gián tiếp đáng kể đã nâng mức thặng dư tài khoản vốn ước tính lên tương đương 6,0% GDP.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 35,5 tỷ USD trong năm 2018, trong đó bao gồm khoảng 25,5 tỷ USD là các cam kết FDI mới. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, phản ánh niềm tin tích cực của các nhà đầu tư ngoại.

Tốc độ tăng chi ngân sách đã giảm mạnh từ 17,1% năm 2017 xuống khoảng 10,5% trong năm ngoái. Tăng chi thường xuyên cũng giảm từ 11,6% trong năm 2017 xuống 8,7%, nhờ kiểm soát được chi không cần thiết. Tăng thu ngân sách giảm từ 11,9% trong năm 2017 xuống 9,6% trong năm 2018. Bội chi ngân sách tăng nhẹ, từ tương đương 3,5% GDP trong năm 2017 lên khoảng 3,7% trong 2018.

Tăng trưởng kinh tế mạnh đã giúp cho chính phủ kiểm soát được nợ công ở mức tương đương 61,4% GDP vào cuối năm 2018, so với mức cao điểm 63,7% vào năm 2016, và thấp hơn ở mức an toàn so với trần nợ công 65,0%.

Họp báo ADB sáng 3/4
Họp báo ADB sáng 3/4

Tốc độ tăng trưởng năm 2019 duy trì ở mức khá cao

Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao. 

Tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.

“Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế”, báo cáo của ADB nêu rõ.

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

Trao đổi thêm về động thái tăng giá điện và giá xăng vừaqua của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, đây là những lĩnh vực được Chính phủ kiểm soát và điều chỉnh, và việc điều chỉnh gần đây nhằm làm giảm tác động đến ngân sách.

“Đây không phải là mức tăng quá mạnh nhưng sẽ phải theo dõi chặt chẽ. Việc tăng giá là cần thiết bởi nếu không tăng giá, người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả chi phí này thì Chính phủ phải trợ giá, quan trọng là xác định thời điểm điều chỉnh. Việc điều chỉnh là tích cực, không tác động quá lớn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi”, ông Eric Sidgwick nói.

Cần đưa doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tuy nhiên, ADB nhận định nguy cơ rủi ro vẫn còn. Những nền kinh tế lớn của thế giới vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Việt Nam trong việc tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), cũng như nâng cao năng lực của các DNVVN, gồm cả kỹ năng của người lao động, là những biện pháp quan trọng để cho phép các DNVVN áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

[Infographic] ADB dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á đạt 5,8% năm 2019
Trong ấn bản bổ sung báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo tăng trưởng khu vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư