Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ADB: Việt Nam vững bước tiến tới phục hồi tăng trưởng
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tin rằng, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức của đại dịch, vững bước trên con đường tiến tới phục hồi và thịnh vượng.
.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng, với thặng dư thương mại đầy ấn tượng 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020. 

Trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ADB dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á giảm từ 5,4% trong năm 2019 xuống -0,7% trong năm 2020 nếu bệnh dịch được kiểm soát trong quý III/2020. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự báo đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 và sẽ bứt phá đạt mức 6,3% trong năm 2021 (nằm trong số rất ít các quốc gia duy trì được tăng trưởng dương và ở mức cao trong khu vực).

Dự báo trên được đưa ra phần lớn là do thành công của Việt Nam trong kiểm soát Covid-19. Việc khống chế đại dịch có hiệu quả, đặc biệt là nhanh chóng kiểm soát được làn sóng bùng phát lần thứ hai vào tháng 7 đã cho thấy Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm để ứng phó với các đợt bùng phát mới. Điều này như một sự khích lệ mạnh mẽ các hoạt động kinh tế hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế trong nước, đồng thời củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Sau khi bật tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6, rồi bị chững lại do đại dịch bùng phát lần thứ hai vào tháng 7, du lịch trong nước đang từng bước phục hồi. Trong tháng 11, các hoạt động vận tải tăng 2,3% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng 8,5% trong tháng 11/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Về dài hạn, thị trường nội dịa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng như lực lượng lao động trẻ sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng, với thặng dư thương mại đầy ấn tượng 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020. Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và mới đây là RCEP đã và sẽ là những kênh đầu tư - thương mại quan trọng để Việt Nam có thể tối đa hóa những lợi ích từ sự dịch chuyển và cơ cấu lại các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của dòng thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như trong khu vực.

Cùng với những tiến bộ trong việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trên thế giới, nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, rất có lợi cho một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng đã và đang dần thích nghi trong điều kiện “bình thường mới”, chung sống với đại dịch. 

Trong bối cảnh đầu tư tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm 16,9% trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, giải quyết các vấn đề khúc mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Nói đến thành tích duy trì đà tăng trưởng và tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi sau đại dịch, không thể không nói đến sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với hoàn cảnh mới, như tham gia sản xuất những linh kiện, phụ tùng mà trước đây phải nhập khẩu từ bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất các trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những tham vấn về các giải pháp chiến lược cho phục hồi kinh tế sau đại dịch và phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, bao gồm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng… Đây cũng là những lĩnh vực mà ADB sẽ lồng ghép khi xây dựng Chiến lược Đối tác quốc gia với Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được dự kiến thông qua vào tháng 8/2021.

Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng như Chiến lược Phát triển 2021-2030. Trọng tâm ưu tiên của chiến lược này là hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị, hỗ trợ ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, xóa nghèo, khuyến khích bình đẳng giới, hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục, chuyển đổi cơ cấu, đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Chỉ dấu sớm về phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam
() Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 là 5,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2013. Đây cũng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư