Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 04 tháng 11 năm 2024,
Ai giám sát sự liêm chính tại doanh nghiệp?
NQS - 15/11/2018 15:31
 
Trong tình huống đưa ra thảo luận trong một chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp mới đây của Viện Thành viên HÐQT Việt Nam (VIOD) được nêu lên như sau: Công ty A hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với nhiều năm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt.

Năm 2018, do thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, nhiều sản phẩm của Công ty A trở nên khó bán hơn. Cứ theo diễn tiến này, Công ty A chỉ hoàn thành 75% kế hoạch 2018.

Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, Giám đốc Công ty A đề xuất phân loại các bất động sản đã hoàn thành nhưng chưa bán được (hàng tồn kho, phản ánh theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được) và chuyển sang bất động sản đầu tư (phản ánh theo nguyên giá trừ đi hao mòn lũy kế).

Với đề xuất này, A sẽ ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận đủ để đạt mục tiêu 2018. Vậy ai sẽ soát xét và đưa ra quyết định A có nên thay đổi chính sách kế toán như trên hay không?

Câu chuyện của Công ty A không phải là hiếm gặp trong xử lý bài toán tài chính của các doanh nghiệp trên sàn. Lên sàn, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, nhưng phải chịu nhiều sức ép, lớn nhất là làm cách nào duy trì được dòng doanh thu và lợi nhuận để hoàn thành trách nhiệm với đồng vốn cổ đông. Trong nhiều trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp phải đứng trước lựa chọn sử dụng những thủ thuật tài chính để thực hiện mục tiêu này.

Các chuyên gia VIOD cho rằng, nếu trong tổ chức của Công ty A có Ủy ban Kiểm toán do 1 thành viên độc lập trong HÐQT làm Trưởng ban thì câu chuyện thay đổi chính sách kế toán sẽ được thảo luận nội bộ một cách kịp thời và chuẩn mực, hơn là việc Công ty A cứ làm và đến cuối kỳ Ban Kiểm soát mới đánh giá lại.

Với vai trò và vị thế của mình, Ủy ban Kiểm toán đủ khả năng yêu cầu một cuộc làm việc với Giám đốc Công ty A để đánh giá tính hợp lý, hợp lệ của việc thay đổi chính sách kế toán. Các bên sẽ đánh giá xem liệu ghi nhận bức tranh tài chính này có đang phản ánh một chiến lược mới của A hay không?

Từ xây bất động sản để bán chuyển sang giữ lại các tài sản này để cho thuê dài hạn? Nếu Công ty A có mục tiêu cho thuê và thực tế có một số hợp đồng thuê thì bước chuyển đổi này là hợp lý.

Nhưng nếu không có yếu tố đó thì bước chuyển này có thể chỉ nhằm làm đẹp sổ sách và trong đó ẩn chứa yếu tố gian lận, đòi hỏi lãnh đạo Công ty A phải đánh giá được lợi ích và rủi ro phải đối mặt khi quyết định thay đổi chính sách kế toán.

Khuyến nghị rất đáng lưu tâm của VIOD là khi phải đối diện với sự chọn lựa chính sách kế toán để đạt mục tiêu ngắn hạn, các doanh nghiệp nên tham khảo quan điểm của kiểm toán độc lập. Cùng với đó, nên so sánh với quy chuẩn báo cáo kiểm toán quốc tế (IFRS), xem những việc doanh nghiệp định làm có sai nguyên tắc, sai thông lệ quốc tế không?

Việc xem xét các công ty trong ngành đang ứng xử như thế nào trong cùng môi trường kinh doanh khó khăn cũng là điểm doanh nghiệp nên tìm hiểu trước khi chọn ra giải pháp phù hợp cho mình, mà vẫn đảm bảo tính liêm chính trong thể hiện bức tranh tài chính cuối kỳ.

Có rất nhiều thủ thuật doanh nghiệp có thể sử dụng để làm đẹp báo cáo tài chính, trong đó các doanh nghiệp đại chúng hay áp dụng nhất là nới lỏng tín dụng cho khách hàng; giảm chi phí bằng cách vốn hóa; thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí không phù hợp; phù phép thông qua các ước tính kế toán và thay đổi chính sách kế toán…

Khi những thủ thuật này diễn ra, người thiệt hại đầu tiên là các cổ đông đại chúng. Vì thế, xây dựng một HÐQT có tính độc lập cao hơn, có khả năng giám sát sự minh bạch, liêm chính trong doanh nghiệp tốt hơn là điều mà doanh nghiệp cần hướng tới.

Trên sàn niêm yết, một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình quản trị tiên tiến (như VNM, Nam Long…) với việc xây dựng HÐQT có các thành viên độc lập, thành viên không điều hành cùng hệ thống ủy ban hỗ trợ, đặc biệt là Ủy ban Kiểm toán giữ vai trò đánh giá sự chuẩn mực, minh bạch trong bức tranh tài chính, là những chỉ dẫn mà các doanh nghiệp nên tham khảo để chọn ra con đường cho tương lai dài hạn.

Xử lý mô hình quản trị doanh nghiệp "chẳng giống ai"
Quản trị doanh nghiệp của Việt Nam “chẳng giống ai”. Liệu “sự khác người” có được Luật Doanh nghiệp sửa đổi xử lý triệt để. Ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư