Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ai là cổ đông lớn ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình?
Kim Ngân - 03/01/2023 09:27
 
Cá nhân ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình sở hữu 17,1% vốn HBC. Một đối tác chiến lược khác là Hyundai Elevator nắm trên 10% vốn.

Căng thẳng quyền lực leo thang

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đang xảy ra căng thẳng liên quan tới vị trí Chủ tịch HĐQT ngay những ngày đầu năm mới 2023. Theo đó, ngày 31/12/2022, Tập đoàn công bố Nghị quyết số 53 hoãn thi hành các Nghị quyết 50 và 51, đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, hoãn thi hành việc bầu thay thế ông Nguyễn Công Phú, hoãn bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Lê Viết Hải) làm Tổng giám đốc.

Ngược lại, ngay ngày 1/1/2023, truyền thông đưa tin nhóm thành viên HĐQT của Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine bác bỏ các nội dung trên. Nhóm 4 người tố cáo ông Lê Viết Hải tổ chức cuộc họp HĐQT bất thường để đưa ra Nghị quyết số 53 là không hợp lệ. Nhóm này cũng tuyên bố ông Nguyễn Công Phú vẫn là Chủ tịch hợp pháp của Hòa Bình kể từ 1/1/2023.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau đó đã phát đi thông tin, khẳng định việc công bố Nghị quyết số 53 về việc ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, hoãn thi hành việc bầu thay thế ông Nguyễn Công Phú... là đúng quy định. Tập đoàn tuyên bố đã tổ chức cuộc họp HĐQT đảm bảo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ Công ty.

Đồng thời, Tập đoàn nêu, từ ngày 1/1/2023, mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ tập đoàn và người đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị. Công ty cũng khẳng định sẽ không chịu trách nhiệm về những thông tin, nội dung mà các cá nhân, tổ chức nhân danh Hòa Bình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Ai là cổ đông lớn?

Thời điểm này, các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chưa công bố báo cáo quản trị công ty năm 2022. Tại báo cáo mới nhất (6 tháng năm 2022), cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 15,84% vốn. Vợ ông - bà Bùi Ngọc Mai, sở hữu 1,83% vốn. Con trai - ông Lê Viết Hiếu nắm 0,46%. Các anh, chị, em ruột của ông Hải nắm khoảng 2% vốn. Các công ty liên quan tới ông Hải không nắm cổ phần HBC. Như vậy, tổng cộng ông Hải và cá nhân liên quan nắm khoảng 20,1% vốn HBC.

Trong năm 2022, bản thân ông Hải cũng như các thành viên của gia đình không thường xuyên thực hiện các giao dịch cổ phiếu HBC. Một số giao dịch phát sinh hầu hết trong quá trình mua cổ phiếu ESOP (Hòa Bình phát hành gần 6,3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên).

Theo báo cáo giao dịch cuối cùng vào ngày 16/12, cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 17,1% vốn HBC, là cổ đông lớn nhất.

Một cổ đông lớn khác tại Hòa Bình là Hyundai Elevator. Cuối năm 2021, doanh nghiệp Hàn Quốc này sở hữu 10,83% vốn HBC và không phát sinh bất cứ giao dịch nào trong năm 2022, theo công bố thông tin trên HoSE.

Hyundai Elevator ký hợp tác chiến lược với Hòa Bình từ đầu năm 2019, bằng việc mua 25 triệu cổ phiếu HBC với giá 23.000 đồng/cp. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1984, sản phẩm chính hiện tại là thang cuốn, thang máy, bảo trì thang cuốn thang máy. Thị phần của Hyundai Elevator trong lĩnh vực lắp đặt thang máy mới đứng vị trí số 1 tại thị trường Hàn Quốc.

Bốn thành viên phản đối Nghị quyết 53 là ai?

HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có 8 thành viên. Trong đó, truyền thông đưa tin 4 thành viên là các ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine có đơn thư phản đối Nghị quyết 53 - Nghị quyết hoãn thi hành các Nghị quyết cũ.

Trong 4 thành viên này, duy nhất ông Lê Quốc Duy là Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc. Ba thành viên còn lại là Thành viên HĐQT độc lập. Thành viên HĐQT độc lập không tham gia vào điều hành, thông thường sẽ đưa ra các ý kiến, góp ý, cố vấn để HĐQT ra quyết định khách quan. Đặc biệt khi có xung đột lợi ích giữ cổ đông với người quản lý điều hành doanh nghiệp, thành viên HĐQT độc lập sẽ có vai trò giám sát, giảm nguy cơ lạm quyền quản lý và bảo vệ lợi ích cổ đông.

Ông Lê Quốc Duy, sinh năm 1981, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Hà Lan. Ông Duy gắn bó với Hòa Bình từ năm 2007 tới nay, trải qua nhiều vị trí ở nhiều công ty khác nhau trong tập đoàn. Hiện tại, ngoài công tác tại Xây dựng Hòa Bình, ông Duy còn làm Phó Tổng giám đốc Novaland (HoSE: NVL) từ năm 2020 và là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM.

Ông Nguyễn Công Phú - người từng được HĐQT bầu làm Chủ tịch thay thế ông Lê Viết Hải - sinh năm 1951, quốc tịch Pháp. Ông Phú có bằng tiến sĩ cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris, nhiều năm làm việc ở các công ty nước ngoài.

Ông Dương Văn Hùng sinh năm 1978, có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh tại Vương quốc Anh. Ông Hùng hiện là nhà sáng lập và điều hành nhiều công ty liên quan tới bất dộng sản và năng lượng sạch. Cả ông Hùng và ông Phú đều là thành viên Ủy ban Kiểm toán của Hòa Bình.

Cuối cùng, ông Albert Antoine, sinh năm 1959, quốc tịch Pháp. Ông này trực tiếp là người được ông Lê Viết Hải đề cử vào HĐQT trong kỳ ĐHCĐ năm 2022 vừa qua. Hiện ông Albert Antoine là Giám đốc điều hành của Avaiga -  đơn vị đồng hành về Chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và AI cho nhiều công ty lớn trên thế giới. Albert và nhóm của ông gần đây đã thực hiện các dự án DX cho các khách hàng như Viettel, FPT, Vietcombank, Amazon, DHL, Zara, Nike và nhiều thương hiệu toàn cầu khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư