Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Alibaba cùng đối tác Hàn Quốc lập liên doanh thương mại điện tử 4 tỷ USD
Đông Phong - 27/12/2024 08:30
 
Alibaba Group đã đồng ý sáp nhập các hoạt động tại Hàn Quốc với nền tảng thương mại điện tử của E-Mart để gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh ở xứ sở kim chi.
Liên doanh giữa Alibaba và E-Mart có thể được định giá khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: AFP
Liên doanh giữa Alibaba và E-Mart có thể được định giá khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: AFP

Theo đó, Alibaba International và nền tảng Gmarket của chuỗi bán lẻ Hàn Quốc E-Mart sẽ thành lập một liên doanh góp vốn 50-50, theo hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán của E-Mart, hồ sơ này đã xác nhận thông tin mà Bloomberg đưa. Hai "ông lớn" thương mại của Trung Quốc và Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư thêm vào liên doanh mới thành lập và liên doanh này sẽ sở hữu 100% vốn của Gmarket.

Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết liên doanh mới có thể được định giá khoảng 4 tỷ USD.

Cổ phiếu E-Mart giao dịch tại Seoul đã tăng 5,5%, giúp chuỗi bán lẻ Hàn Quốc đạt vốn hóa thị trường là 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong đã tăng khoảng 11% trong năm nay và vốn hóa thị trường tương ứng hơn 200 tỷ USD.

Thỏa thuận hợp tác liên doanh giữa Alibaba và E-Mart này sẽ giúp họ canh tranh tốt hơn với các đối thủ sở tại, bao gồm Naver và Coupang. Tháng này, niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, do bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn do tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng với việc ông bị luận tội.

Alibaba đã tìm cách mở rộng địa bàn quốc tế để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chậm hơn của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi tại quê nhà Trung Quốc.

Hoạt động thương mại điện tử trong nước của Alibaba đã ghi nhận tăng trưởng yếu ớt trong quý III/2024 và kết quả tài chính được hưởng lợi từ sự phát triển của mảng dịch vụ đám mây và hoạt động kinh doanh quốc tế, bao gồm Lazada và AliExpress.

Từng là một công ty dẫn đầu về thương mại điện tử tại Trung Quốc, Alibaba nay phải vật lộn để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh từ các đối thủ đang nổi lên như PDD Holdings và ByteDance.

Tình thế này buộc Alibaba phải có một bước ngoặt lớn dưới sự lãnh đạo của nhà đồng sáng lập Eddie Wu, người đã đảm nhận vai trò giám đốc điều hành hơn một năm trước, hướng tới việc hợp nhất các hoạt động kinh doanh cốt lõi và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng triển vọng nhất.

Dưới sự lãnh đạo của ông Jiang Fan, Alibaba đang tích hợp các hoạt động thương mại điện tử trong nước và quốc tế của mình và đã liên tục bán các mảng miếng mà họ không coi là thiết yếu.

Tuần trước, Alibaba đã đồng ý bán doanh nghiệp cửa hàng bách hóa Intime của mình cho Youngor Fashion với giá khoảng 1 tỷ USD trong một động thái nhằm bán bớt các tài sản không cốt lõi. Thỏa thuận này có thể khiến "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc chịu lỗ 9,3 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) cho khoản đầu tư ban đầu vào Intime.

Quyết định bán Intime phản ánh quyết tâm của Alibaba nhằm tập trung vào các nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2025. Số tiền bán Intime có thể được dùng vào mua lại cổ phiếu và trả cổ tức vào năm tới. Tính đến ngày 16/12, Alibaba vẫn đang trong quá trình đàm phán để bán 78,7% cổ phần của mình tại chuỗi bán lẻ Sun Art.

Trong khi đó, đối tác Hàn Quốc E-Mart đã mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình theo cả cách thông thường và thông qua các vụ mua lại.

Năm 2021, E-Mart đã mua lại cổ phần kiểm soát tại thị trường trực tuyến của eBay tại Hàn Quốc với giá khoảng 3 tỷ USD, mở rộng cơ sở khách hàng của họ trong các danh mục như hàng tạp hóa và hàng hóa nói chung.

Alibaba ra mắt công cụ dịch thuật AI Marco MT, thách thức Google và ChatGPT
Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, vừa giới thiệu một công cụ dịch thuật trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn mới mang tên Marco...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư