Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
An Giang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trúc Giang - 30/11/2019 11:03
 
Phát huy tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, tỉnh An Giang đang đầu tư hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và mời gọi đầu tư, tạo động lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách của tỉnh An Giang.
Rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách của tỉnh An Giang.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh An Giang, trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh này đón trên 8,3 triệu lượt khách du lịch, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; doanh thu từ ngành du lịch đạt 4.700 tỷ đồng.

Với địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có dãy Thất Sơn huyền bí, sông nước hữu tình, nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng, nhiều điểm đến kỳ thú với hệ sinh thái môi trường phong phú..., tỉnh An Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Sản phẩm du lịch của An Giang đa dạng với nhiều loại hình như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, tâm linh. Trong đó, du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội là sản phẩm du lịch đặc trưng của An Giang, gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), Lễ Dolta và đua bò của người Khmer ở huyện Tri Tôn, Lễ hội Mùa nước nổi Búng Bình Thiên (huyện An Phú), Lễ hội Văn hóa dân tộc Chăm…

An Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng, trong đó, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) cùng Khu di tích Khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, Khu du lịch quốc gia Núi Sam, điểm du lịch quốc gia cù lao Ông Hổ, quần thể Núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn hùng vĩ, khu bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan rừng tràm Trà Sư... là những địa danh có sức hút rất lớn với du khách trong và ngoài nước.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch

Trong thời gian qua, ngành du lịch An Giang đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hạ tầng giao thông đã và đang được tỉnh đầu tư theo hướng hoàn chỉnh các tuyến đường chính đến các khu, điểm du lịch, như: đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; đường tỉnh lộ 941 đi Tri Tôn...

Những nỗ lực trên đã giúp tỉnh An Giang bước đầu thu hút được nhiều dự án đầu tư khá lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư tại xã Văn Giáo và xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) của Công ty CP Du lịch An Giang với quy mô 38,48 ha, vốn đầu tư đăng ký 748 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch Núi Sam tại TP. Châu Đốc của Công ty TNHH MGA với quy mô 9,5 ha, vốn đầu tư đăng ký 486 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch TP. Châu Đốc của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Đến với quy mô 87,92 ha, vốn đầu tư đăng ký 2.408 tỷ đồng...

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Phú Cường... cũng đang xúc tiến thủ tục đầu tư các dự án về dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang, như: tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và shophouse Long Xuyên; khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đánh giá, lượng khách tới An Giang nhiều, nhưng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách còn thấp, do các điều kiện về cơ sở vật chất để giữ chân du khách của tỉnh còn hạn chế. Số ngày lưu trú bình quân của du khách tại An Giang hiện chỉ là 1,5 ngày.

Theo ông Hiệp, để khắc phục hạn chế trên, tỉnh An Giang đã và đang tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, quan tâm mời gọi đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn; khu vui chơi giải trí; các khu du lịch sinh thái... Riêng đối với các khu du lịch tâm linh sẵn có, chủ yếu là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nhằm thu hút du khách. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch.

Để tạo động lực cho du lịch tỉnh nhà phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo khác biệt, An Giang tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch, kết nối 4 khu du lịch trọng điểm của tỉnh là: Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; điều chỉnh quy hoạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án du lịch và phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi phát triển du lịch của địa phương, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

An Giang hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án
Quan tâm hỗ trợ và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để triển khai nhanh các dự án đầu tư là chủ trương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư