Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Áp dụng hóa đơn điện tử, mỗi năm tiết kiệm trên 10 tỷ tờ hóa đơn
Mạnh Bôn - 12/09/2017 14:32
 
Hiện tại, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 4 tỷ hóa đơn, mỗi hóa đơn 2-3 liên, tức là mỗi năm phải in trên 10 tỷ tờ hóa đơn

Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Dự kiến, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới để kịp thời thực hiện kể từ 1/1/2018.

Cả nước sử dụng khoảng 4 tỷ hóa đơn mỗi năm

Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP chỉ là một trong hàng trăm nghị định được Chính phủ ban hành nhằm cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí thời gian, công sức, tiền bạc cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, đây là một trong những nghị định quan trọng nhất trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí kinh doanh, thời gian công sức cho cả xã hội chứ không riêng gì doanh nghiệp và cơ quan thuế.

“Không những thế, Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mới hướng đến bắt buộc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy truyền thống góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường vì mỗi năm sẽ không phải sản xuất hàng tỷ hóa đơn giấy để sử dụng. Không sử dụng hóa đơn giấy sẽ bảo vệ được môi trường do không phải sử dụng nguyên liệu để sản xuất giấy, bên cạnh đó còn tiết kiệm được rất nhiều mực in, máy móc thiết bị phục vụ in, tủ hồ sơ, nhà kho lưu dữ, bảo quản hóa đơn”, ông Tuấn nói.

“Hiện tại mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 4 tỷ hóa đơn, mỗi hóa đơn 2-3 liên, tức là mỗi năm phải in trên 10 tỷ tờ hóa đơn. Nếu không áp dụng hóa đơn điện tử, thì chỉ thời gian ngắn nữa hàng năm sẽ sử dụng 7-8 tỷ hóa đơn và số lượng hóa đơn phải sử dụng hàng năm tiếp tục tăng cao do số lượng doanh nghiệp gia tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; giao dịch hàng hóa, dịch vụ tăng không ngừng. Đây là khoản chi phí vô cùng lớn của nền kinh tế, làm gia tăng áp lực cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế trong việc in ấn, quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát”, bà nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế nhấn mạnh về việc phải chuyển hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt.

Hóa đơn điện tử vẫn còn xa lạ

Nhận rõ tính ưu việt của hóa đơn điện tử nên ngay từ năm 2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32/2011/TT-BTC về hóa đơn điện tử và năm 2015 ban hành Quyết định 1209/QĐ-BTC về thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, hóa đơn điện tử vẫn chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến đầu năm 2017 mới chỉ có 843 doanh nghiệp sử dụng loại hóa đơn này với tổng cộng 377 triệu hóa đơn được phát hành. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử hầu hết là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển và cũng chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM như EVN, VNPT, Viettel, VNA…

Lý do doanh nghiệp chưa mặn mà với loại chứng từ kế toán điện tử này, theo bà Hà là yêu cầu khởi tạo, lập, sử dụng, bảo quản hóa đơn điện tử rất cao.

Cụ thể, muốn được sử dụng loại hóa đơn này, doanh nghiệp phải thuộc đối tượng đang giao dịch điện tử với cơ quan thuế hoặc ngân hàng; có chữ ký điện tử; có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, bảo đảm dữ liệu của hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu kế toán; có đội ngũ nhân lực đủ trình độ, khả năng khởi tạo, lập, sử dụng hóa đơn…

Thủ tục hành chính trong việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng không khác gì hóa đơn giấy, theo bà Hà cũng là rào cản khiến doanh nghiệp chưa muốn sử dụng loại chứng từ kế toán này. Cụ thể, muốn được sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp vẫn phải gửi thông báo phát hành đến cơ quan thuế; lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn gửi cơ quan thuế; lập báo cáo mất, hỏng, hủy gửi cơ quan thuế; thông báo với cơ quan thuế về việc không tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử.

“Ngoài ra, quy định, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử  khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải thông báo cho người mua về định dạng hóa đơn, cách thức truyền nhận hóa đơn giữa người bán với người mua… cũng khiến doanh nghiệp e ngại khi sử dụng hóa đơn điện tử”, bà Hà nói thêm.

Thay đổi cơ bản hành vi, thói quen của người tiêu dùng

Tất cả những quy định không phù hợp về hóa đơn điện tử hiện nay sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi tại Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP đồng thời đặt ra lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử cụ thể.

Theo đó, kể từ 1/1/2018, tất cả doanh nghiệp đang sử dụng HĐĐT và HĐĐT có mã xác thực, doanh nghiệp có độ rủi ro cao về thuế bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực. Tất cả doanh nghiệp có mã số thuế trước ngày 1/1/2018 sử dụng hóa đơn tự in phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực kể từ ngày 1/7/2018. Doanh nghiệp đang mua hóa đơn của cơ quan thuế phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực kể từ ngày 1/7/2018.

“Chỉ có doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn đặt in trước 1/1/2018 mới được tiếp tục sử dụng loại hóa đơn này trong năm 2018 và Tổng cục Thuế sẽ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực. Từ năm 2018, tất cả doanh nghiệp thành lập mới không được đặt in hóa đơn mà phải mua hóa đơn của cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chỉ bán, cấp cho một số trường hợp”, bà Hà thông báo với cộng đồng doanh nghiệp tại cuộc hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về hóa đơn điện tử vừa được Tổng cục Thuế và VCCI tổ chức vào sáng nay (12/9).

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Đặng Thị Bình An đồng tình với việc phải thay thế hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện t, nhưng theo bà, nên dời thời gian áp dụng đại trà để doanh nghiệp và người dân có thời gian làm quen với loại chứng từ kế toán mới này.

“Hạ tầng công nghệ - thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại trong việc điện tửi hóa hóa đơn. Hiện có rất ít doanh nghiệp sử dụng HĐĐT mà nhiều khi đã gây ra tình trạng ách tắc đường truyền, vậy khi số lượng hóa đơn điện tử gấp hàng ngàn lần bây giờ liệu có bảo đảm đường truyền thông suốt 24/7 hay không”, bà An đặt câu hỏi.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử, theo ông Đậu Anh Tuấn sẽ thay đổi cơ bản hành vi, thói quen của người tiêu dùng khi đi mua hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, thay vì không nhận hóa đơn như hiện nay, khi đi mua hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng sẽ nhận HĐĐT. Nhờ đó, mọi giao dịch đều được ghi nhận công khai, tránh được tình trạng gian lận, thất thu ngân sách nhà nước.

“Nhưng việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử kể từ 1/1/2018 có vẻ quá tham vọng khi mà doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng các cơ quan công quyền (thanh tra, công an, quản lý thị trường) vẫn đòi hỏi doanh nghiệp phải có hóa đơn giấy mỗi khi tiến hành thanh tra, kiểm tra”, ông Tuấn e ngại.

Hóa đơn điện tử có mã xác thực sẽ bảo vệ doanh nghiệp
Cùng với Hà Nội, TP.HCM được Bộ Tài chính cho phép thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế (hóa đơn xác thực). Theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư