Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Áp lực bán mạnh từ khối ngoại, VN-Index vẫn giữ vững sắc xanh
Hải Trần - 09/11/2023 18:27
 
Sau phiên giao dịch bùng nổ với mức tăng hơn 30 điểm, VN-Index tiếp tục duy trì tốt đà tăng ở phiên hôm nay. Dù có áp lực chốt lời, nhưng VN-Index đóng cửa tăng nhẹ với 0,46 điểm tương ứng 0,04% và dừng chân tại 1.113 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên HSX đạt xấp xỉ gần 1 tỷ cổ phiếu, tăng 12,8% so với phiên trước, tương ứng hơn 20.000 tỷ đồng về giá trị. Tổng cả 2 sàn đạt 24.081 tỷ đồng, tăng mạnh 16,33%. 

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến rất tích cực với thông tin trên, đa số tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến tích cực như PDR (+6,93%), NLG (+5,91%), VIC (+5,58%), VHM (+4,63%), NHA (+4,23%)..., ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh với HDC (-1,10%), CII (-0,58%), SJS (-0,48%)...

Các cổ phiếu chứng khoán nổi bật so với thị trường chung, thanh khoản vẫn tăng mạnh với VIX (+6,85%), APS (+5,63%), BSI (+5,03%), AGR (+3,46%)..., tuy nhiên nhiều mã sau giai đoạn tăng giá mạnh đã chịu áp lực điều chỉnh cuối phiên như VCI (-0,61%), SHS (-0,57%), MBS (-0,49%%)...

Phiên nay có một số mã tăng hết biên độ với thanh khoản đột biến như VSC (+7,00%), BAF (+6,87%), IDJ (+8,06%)... 

Nhóm cổ phiếu điện cũng có khối lượng giao dịch đột biến như POW (+0,43%), QTP (+1,42%), SJD (+1,71%)... Ngày hôm nay, thị trường đón nhận thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ hôm nay (9/11). Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Theo chuyên gia MBS, đây là đợt tăng thứ 2 sau khi EVN đã tăng giá bán lẻ điện 3% trong tháng 5, giúp giá bán bình quân sau 2 lần tăng thêm 142đ/kWh. Về mặt tài chính, đợt tăng giá thứ 2 sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN khi đang phải kinh doanh bán điện thấp hơn giá vốn.

Đây vẫn chỉ là mức thu hẹp đi phần lỗ vì theo tính toán, chi phí bình quân cho 2023 dự tính ở mức 2.098 đồng/kWh, nghĩa là vẫn cao hơn 92 đồng/kWh so với mức giá bán lẻ mới. Tuy nhiên, mặt tích cực là chi phí, cụ thể giá than nhập cho phát điện đang trên đà giảm từ mức cao, hỗ trợ giá bán điện than giảm, nhu cầu điện thấp và ko có áp lực thiếu điện cho đến ít nhất mùa hè 2024. Mặt tiêu cực là rủi ro delay đầu tư các nguồn điện mới, và rủi ro về thanh toán vẫn hiện hữu.  

Về ảnh hưởng của tăng giá điện lên triển vọng các công ty phát điện niêm yết trên sàn, chuyên gia MBS cho rằng, sẽ hỗ trợ tích cực lên dòng tiền thanh toán từ EVN, khi hầu hết các doanh nghiệp nhà máy điện đang ghi nhận khoản phải thu tiền điện tăng mạnh từ cuối 2022 đầu 2023 (POW, NT2, QTP, HND...) Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn phải trích lập phải thu khó đòi tiền điện, ảnh hưởng đến dòng tiền và hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tạo dư địa lớn hơn để huy động các nguồn điện giá cao như điện than, khí và năng lượng tái tạo.

Phiên hôm nay, khối ngoại quay lại bán ròng hơn 800 tỷ đồng trên cả 2 sàn, trong đó dẫn đầu chiều bán là VHM 285 tỷ đồng, VCB 142 tỷ đồng. Ngược lại, DGC và KBC được mua ròng lần lượt 72 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư