Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Áp lực tăng trưởng xuất khẩu
Hà Nguyễn - 12/12/2019 16:27
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm nay dự kiến vượt ngưỡng 500 tỷ USD là điều đáng mừng, song đồng thời cũng tạo áp lực cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2020, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang lan rộng.
.
Trong tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI, kể cả dầu thô, giảm 4,5% so với tháng trước đó.

Nói vậy bởi vì, năm 2018, xuất khẩu tăng tốc khá mạnh, đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, nên năm 2019, dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7 - 8%, song nhiều thời điểm, đã có những lo lắng về khả năng khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay.

Hiện tại, dù gần như chắc chắn, năm 2019, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra, với 11 tháng ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, nhưng không phải là không có những vấn đề cần quan tâm.

Thấy rõ nhất là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI. Trong 11 tháng, khi tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 18,1%, thì kể cả dầu thô, khu vực FDI chỉ ước xuất khẩu 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ và chỉ còn đóng góp 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, trong tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI, kể cả dầu thô, giảm 4,5% so với tháng trước đó.

Thậm chí, trong tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI, kể cả dầu thô, giảm 4,5% so với tháng trước đó.

Sự giảm tốc xuất khẩu của khu vực FDI đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự giảm tốc của xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện, do nhà máy Samsung Display gặp khó khăn. 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 48,7 tỷ USD, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, một thông tin không thể không lưu tâm là xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản giảm so với cùng kỳ. Cả thủy sản, cả rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, hạt tiêu…, những mặt hàng nông thủy sản chủ lực của Việt Nam đều giảm. Điều này đã ảnh hưởng tới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Câu hỏi đặt ra là, liệu câu chuyện này có tiếp tục trong năm 2020 hay không? Nhiều dự báo chỉ ra rằng, tình hình có thể sẽ khó khăn hơn khi căng thẳng thương mại toàn cầu đang mở rộng cả về phạm vi và quy mô và điều này tiếp tục là yếu tố rủi ro gây suy yếu tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu, thậm chí còn có khả năng bóp méo môi trường cạnh tranh và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu. Không những thế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn nhiều bất định và vẫn là thách thức lớn nhất đối với kinh tế thế giới.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc chưa hạ nhiệt. Mỹ và EU vẫn bế tắc trong đàm phán xuất khẩu ô tô và linh kiện. Tác động của leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - EU (nếu xảy ra kịch bản cả hai bên áp thuế lên hàng hóa của nhau) được đánh giá là có thể mạnh hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Điều đó chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến thương mại hàng hóa của Việt Nam, khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7% trong năm 2020 là một thách thức lớn.

Bởi vậy, không còn cách nào khác là phải theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực để có phản ứng chính sách, kịch bản phù hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và dòng vốn vào - ra. Đồng thời, duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN..., kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn.

Tương tự, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường nội địa, tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Và tất nhiên, điều quan trọng là phải tận dụng tốt những thuận lợi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam…

Một điều quan trọng khác, phải làm sao tránh phụ thuộc vào khu vực FDI, thậm chí là một mặt hàng, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước phát triển, thúc đẩy xuất khẩu của khu vực này, từ đó đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu dệt may, giày dép và túi xách mang về hơn 60 tỷ USD
2 ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu trên 60 tỷ USD cho nền kinh tế là dệt may và da giày ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 7,5 và trên 10% sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư