Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
APEC sáp nhập với Sen Vàng: Lộ diện “thế lực” mới
Chí Tín - 13/11/2014 09:36
 
CTCP Chứng khoán châu Á -  Thái Bình Dương (APEC- mã chứng khoán APS) có kế hoạch sáp nhập CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS). Công ty mới hình thành từ cuộc “hôn phối” này được kỳ vọng sẽ là thế lực mới đầy sức mạnh trong hàng ngũ công ty chứng khoán (CTCK).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thị trường ấm, CTCK đua “săn đầu người”
Công ty chứng khoán nung nấu kế hoạch M&A
Tiềm năng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh
Chứng khoán APEC muốn thành lập công ty quản lý quỹ

Nếu mọi việc được thực hiện suôn sẻ theo đúng kế hoạch, CTCK mới  (hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 công ty trên) vẫn mang tên APEC có vốn điều lệ là 520 tỷ đồng, tức là có quy mô gấp hơn 1,5 lần so với vốn điều lệ của APEC  và gấp gần 3 lần so với quy mô của GLS.

   
  Lãnh đạo Công ty APEC kỳ vọng sẽ khởi sắc sau sáp nhập Sen Vàng  

Dự kiến, tỷ lệ cổ phiếu hoán đổi là 1:1 và APEC sẽ phát hành 13,5 triệu cổ phiếu để đổi lấy số cổ phiếu GLS đang lưu hành.

Nếu cuộc “hôn phối” giữa APEC và Sen Vàng diễn ra suôn sẻ thì đây sẽ là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thứ ba thành công giữa các CTCK.

Trước đó, giữa năm 2014, CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) đã hợp nhất thành công với CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC). Cuối năm 2013, CTCP  Chứng khoán MB (MBS) và CTCP Chứng khoán VIT (VITS) đã nổ tiếng pháo khai màn các thương vụ M&A của các CTCK.

Trở lại thương vụ M&A giữa APEC và Sen Vàng, một trong những vấn đề được giới đầu tư quan tâm trong thương vụ này là việc APEC chấp nhận tỷ lệ cổ phiếu hoán đổi là 1:1 có hợp lý hay không.

Bởi lẽ, ngoài yếu tố vượt trội về quy mô vốn điều lệ, APEC đang là công ty hoạt động hiệu quả hơn so với Sen Vàng. Theo đó, tính đến thời điểm trước sáp nhập, APEC có vốn chủ sở hữu là 347 tỷ đồng (thấp hơn so với vốn góp ban đầu 390 tỷ đồng), trong khi đó, vốn hiện tại của Sen Vàng đã “bốc hơi” khá nhiều so với thời điểm các nhà đầu tư góp vốn, chỉ còn gần 64  tỷ đồng so với mức 135 tỷ đồng vốn góp ban đầu.

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT APEC thừa nhận, việc tìm ra một tỷ lệ hợp lý chính là điều mà HĐQT đã cân nhắc rất nhiều. “Ban đầu, chúng tôi cũng đã từng tính đến phương án hoán đổi cao hơn cho cổ đông APEC, chẳng hạn 1:1,2 hoặc 1:1,3. Tuy nhiên, sau khi “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần, cuối cùng chúng tôi vẫn nghĩ rằng, tỷ lệ 1:1 là hợp lý, trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa cả hai bên”, ông Lăng nói và nhận xét, mặc dù giá trị sổ sách của Sen Vàng chỉ còn một nửa so với vốn góp ban đầu, nhưng Sen Vàng cũng có những lợi thế riêng nhất định.

Đó là các cổ đông của Sen Vàng, như Gạch Đồng Tâm, Nhà Thủ Đức, Nhà Đồng bằng sông Cửu Long… đều là các doanh nghiệp lớn và họ có thể hỗ trợ nhiều cho chiến lược kinh doanh của Công ty mới sau sáp nhập. Sau khi việc sáp nhập Sen Vàng, với việc mở rộng về quy mô và tầm ảnh hưởng, APEC cũng không giấu tham vọng trở thành CTCK đứng đầu trong mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Để chuẩn bị cho những bước đi đầy toan tính sau sáp nhập, APEC cũng đã có một số  động thái khởi động cụ thể, gần đây nhất là thương vụ huy động 150 tỷ đồng cho Licogi 16 vừa hoàn tất trong tháng 10/2014.

Theo đại diện của APEC, chỉ với thương vụ trên, APEC đã thu được có thể khoản phí dao động từ 5 đến 8 tỷ đồng. Trong khi đó, khi có thêm nhiều cổ đông có “máu mặt” của Sen Vàng hậu thuẫn, APEC có nhiều điều kiện tốt để cải thiện vị thế trong mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư