Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
App đầu tư chứng khoán tìm “cửa sống” qua M&A
Vũ Anh - 30/08/2023 11:09
 
Khi về cùng một nhà với các công ty chứng khoán, các app đầu tư có được sự bảo vệ của pháp luật, nhà đầu tư được bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Tititada là một app đầu tư tài chính được nhiều nhà đầu tư sử dụng
Tititada là một app đầu tư tài chính được nhiều nhà đầu tư sử dụng.

Bước đi để hoàn thành pháp lý

Cuối tháng 7/2023, thông tin cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya thay đổi gây chú ý thị trường đầu tư tài chính. Bà Nguyễn Thị Hương Giang, nhà sáng lập của ứng dụng đầu tư tài chính Tititada trở thành nhà đầu tư cá nhân mua hơn 40% vốn của SaigonBank Berjaya từ cổ đông lớn Inter Pacific Securities (Malaysia) và một thành viên trong Ban kiểm soát.

SaigonBank Berjaya được thành lập từ năm 2008. Tới cuối quý II/2023, vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm 3 tổ chức là Inter Pacific Securities, Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kỳ Hòa và Ngân hàng TMCP Sài Gòn công thương (SaigonBank).

Tititada ra mắt vào tháng 6/2022 và công bố hoàn thành huy động 1,5 triệu USD tiền đầu tư từ Golden Gate Ventures - quỹ đầu tư thành lập tại thung lũng Silicon và có hơn 10 năm hoạt động ở Đông Nam Á.

Trước đó, Tititada đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), nằm trong hệ sinh thái Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank).

Động thái tìm cửa mua bán - sáp nhập (M&A), bắt tay chiến lược với các công ty chứng khoán lâu năm trên thị trường là bước đi để hoàn thành pháp lý của các app đầu tư tài chính.

VPBankS được gọi tên sau khi VPBank nhận chuyển nhượng gần 26,2 triệu cổ phiếu của Công ty Chứng khoán ASC, tương ứng 97,42% vốn điều lệ vào đầu năm 2022. Trong năm 2022, VPBankS đã tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hiện tại.

Mạnh tay hơn Tititada, giữa năm 2022, sau 5 năm có mặt trên thị trường fintech, Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam (app Finhay) mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC). Sau thương vụ, fintech này chuyển đổi thành nền tảng đầu tư thông minh VNSC by Finhay hồi tháng 5/2023.

Việc mua lại VNSC được cho là bước tiến mạnh mẽ, thể hiện tham vọng tiếp tục đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính của Finhay. Đặc biệt, việc sở hữu VNSC sẽ tạo điều kiện để Finhay phát triển sản phẩm đầu tư chứng khoán tương tự Tititada.

Theo đó, ông Nghiêm Xuân Huy, Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Finhay Việt Nam đã trở thành Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật của VNSC. Finhay cũng nhận rót vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm H2 Australia, Insignia Ventures Partner.

Có thể thấy, động thái tìm cửa mua bán - sáp nhập (M&A), bắt tay chiến lược với các công ty chứng khoán lâu năm trên thị trường là bước đi để hoàn thành pháp lý của các ứng dụng đầu tư tài chính. Bởi từ cuối năm 2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã cảnh báo về việc bùng nổ các website, ứng dụng đầu tư tài chính trên thị trường. Theo đó, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, ứng dụng giao dịch có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Nhà đầu tư “tay mơ” tự tin bước vào thị trường

Điểm nổi bật của sản phẩm đầu tư chứng khoán như Tititada, Finhay… là đều cho phép nhà đầu tư mua từ một cổ phiếu, tức là bắt đầu với số vốn chỉ từ 10.000 đồng. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán F0, giúp họ đa dạng danh mục và giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Bên cạnh đó, các app cung cấp những kiến thức đầu tư từ cơ bản đến nâng cao, giúp cho nhiều nhà đầu tư “tay mơ” tự tin bước vào thị trường.

Sau thương vụ mua lại VNSC, Finhay dự định cung cấp dịch vụ chứng khoán với kỳ vọng đem lại nhiều trải nghiệm mới, phá bỏ rào cản đầu tư chứng khoán và mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.

Trước khi sở hữu công ty chứng khoán, khi khách hàng của Finhay thực hiện mua bán sản phẩm tài chính thông qua ứng dụng Finhay, tài sản sẽ được thực hiện ủy thác quản lý danh mục đầu tư cho công ty quản lý quỹ đối tác của Finhay là CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt. Sau khi mua VNSC, Finhay đã thực hiện chuyển giao các sản phẩm tài chính sang công ty chứng khoán này. Tài sản của người dùng sau quá trình chuyển đổi sẽ được giao dịch và quản lý bởi VNSC.

Trong khi đó, với Tititada, bà Giang khẳng định, hợp tác cùng công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường như VPBankS, nhà đầu tư có thể yên tâm về tính an toàn, đồng thời có trải nghiệm đầu tư tối giản và dễ dàng. Hồi tháng 3/2023, Tititada và VPBankS đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược nhằm mở ra cơ hội kết nối khách hàng và tạo ra các sản phẩm tài chính tiện ích.

Tititada sẽ cung cấp giải pháp công nghệ với giao diện đơn giản hơn, thiết kế tối giản cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường dễ dàng tìm hiểu về thị trường chứng khoán và đầu tư dài hạn thông qua một thư viện kiến thức đầu tư thông minh. Hệ thống giao dịch đã được thiết kế với công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn thông tin của nhà đầu tư. Các giao dịch và thông tin cá nhân của người dùng được bảo vệ một cách tuyệt đối.

Sự hậu thuẫn từ các ông lớn trong ngành chứng khoán, ngân hàng, giúp một số ứng dụng fintech  nói trên đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, hạn chế những cảnh báo rủi ro.

Tuy nhiên, bà Giang cũng khuyến cáo, việc đầu tư luôn có những rủi ro khi thị trường biến động, khả năng có lỗ chưa ghi nhận (chưa bán) trong ngắn hạn. Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên tìm hiểu những kiến thức cơ bản và đầu tư dài hạn, tránh tâm lý bầy đàn, hoặc mua các cổ phiếu “hot”, dẫn đến rủi ro lớn.

Lãi suất xấp xỉ 10%/năm, nhiều công ty chứng khoán "hút" tiền gửi đầu tư
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng chỉ còn 6,3 - 7%/năm khiến người gửi tiền săn tìm kênh đầu tư mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư