Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
ASEAN sẽ triển khai bộ nguyên tắc công nhận lẫn nhau hệ thống văn bằng, chứng chỉ của người lao động
Trong các ngày 22 đến 24/8/2016, Hội nghị chiến lược triển khai bộ Nguyên tắc định hướng thực hiện bảo đảm chất lượng và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng, chứng chỉ dựa trên năng lực của các nước trong khối ASEAN (ASEAN Guiding Principles for Quality Assurance and Recognition of Competency Certificattion Sysytems) đã được triển khai tại Jakarta, Indonesia.

Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Nhân lực Indonesia và Cơ quan chứng chỉ nghề nghiệp Indonesia (BNSP) thông qua sự tài trợ của Quĩ hội nhập ASEAN -  Nhật Bản (JAIF) phối hợp với Tổ chức quốc tế về di cư Indonesia (IOM) và sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN.

Điều đặc biệt ở Hội nghị này là các đại biểu được mời tham dự không chỉ bao gồm các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước mà còn có rất nhiều đại diện các doanh nghiệp ở các ngành có tên trong danh sách ưu tiên hội nhập và đặc biệt quan trọng là các đại diện khối tư nhân tại các nước thành viên. Phía Việt Nam dự Hội nghị có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm đào tạo quốc tế Pegasus (Tập đoàn Giáo dục KinderWorld) và Tập đoàn Hoa Sen.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành cuối năm 2015 đã đặt một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, và vì thế các hoạt động liên quan phát triển nguồn nhân lực cũng đóng một vai trò nổi bật trong sự phát triển các nền kinh tế ASEAN, tạo ra những đóng góp quan trọng trong phát triển khu vực ở tầm rộng lớn hơn.

Lao động ASEAN, AEC
Việc công bố và thảo luận ở cấp độ khu vực giúp tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các hệ thống đào tạo – văn bằng dựa trên năng lực mà từng quốc gia thành viên ASEAN đang sử dụng (ảnh: Hà Trung)

Sự  thành công của các hoạt động phát triển nguồn nhân lực này gắn chặt với một quá trình thực hiện liên tục và bền vững với các thành tố đào tạo, học tập suốt đời và cơ hội việc làm. Trong điều kiện nhu cầu dịch chuyển lao động có tay nghề một cách tự do giữa các thị trường ASEAN ngày càng gia tăng, yếu tố then chốt đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của các hoạt động về lao động trong ASEAN chính là sự thừa nhận năng lực và kỹ năng của người lao động.

Tuy nhiên, một vấn đề mà các nước thành viên ASEAN phải đối mặt trong việc công nhận trình độ của người lao động đã được đào tạo ở quốc gia khác chính là việc chưa có các hướng dẫn để có thể được sử dụng như những tham chiếu phục vụ cho tiến trình xem xét, thừa nhận lẫn nhau.

Do chưa có các hướng dẫn cụ thể và trên thực tế, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các quốc gia rất khác nhau nên các nước thành viên vấp phải khó khăn trong tuyển dụng lao động, xác định các yêu cầu đối với lao động cũng như trong xác định sự tương hợp giữa các bằng cấp khác nhau và tiêu chuẩn năng lực nghề của các quốc gia, …

Việc công bố và thảo luận ở cấp độ khu vực các chiến lược cần thiết để triển khai bộ nguyên tắc trên của ASEAN đã đạt được mục đích tạo ra các nền tảng cần thiết làm tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các hệ thống đào tạo – văn bằng dựa trên năng lực mà từng quốc gia thành viên đang sử dụng. Đồng thời bộ tài liệu này cũng đã đặt ra các nguyên tắc, thể thức cần thiết cho việc phát triển các quá trình thực hiện công nhận kết quả đầu ra của các hệ thống đạo tạo và văn bằng chứng chỉ theo hướng tiếp cận năng lực vốn đang được sử dụng ngày càng rộng rãi tại các nước ASEAN.

Hội nghị là cơ hội tốt để thông tin rộng rãi đến các ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực các nguyên tắc định hướng thực hiện và các qui trình cần thiết liên quan đến các nỗ lực thừa nhận lẫn nhau. Hội nghị cũng là cơ hội quí để các cơ quan quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đến từ các nước khác nhau đối thoại thẳng thắn về các vấn đề còn khúc mắc, để hiểu nhau hơn và cùng tăng cường năng lực triển khai các nguyên tắc định hướng thực hiện đã được xác định.

Kỹ năng nghề thấp: Điểm yếu của lao động khi vào AEC
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được lợi thế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, do nguồn nhân lực yếu, mặc dù Việt Nam là nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư