Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kỹ năng nghề thấp: Điểm yếu của lao động khi vào AEC
Hải Hà - 31/01/2016 17:51
 
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được lợi thế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, do nguồn nhân lực yếu, mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong ASEAN về lực lượng lao động.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập AEC, dệt may sẽ nằm trong top đầu các ngành được hưởng lợi nhiều, vì thuế suất xuất khẩu hàng may mặc được đưa về 0%. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và ít tận dụng được cơ hội.

Theo tính toán của ngành này, năng suất lao động trung bình trong ngành bằng 1/3 so với Hồng Kông, 1/4 so với Trung Quốc và bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Tính riêng với ngành dệt, năng suất chỉ bằng 90% Trung Quốc, 85% Thái Lan. So với năng suất chung của  toàn ngành may thì Việt Nam chỉ bằng 60% của các nước trong khu vực. Theo thống kê toàn ngành, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 1,5-1,8 USD/giờ công.

.
Việt Nam đang có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”

Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời gây khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp khi sức ép về chi phí nhân công ngày càng tăng, trong khi năng suất lao động lại không tương ứng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may Hà Nội (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) dẫn chứng, trong chuỗi giá trị toàn cầu hàng dệt may, khâu có lợi nhuận cao nhất là thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại, nhưng hiện nay gần như các doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, với tỷ suất lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 5%-10%, chứ không thực hiện quá trình thiết kế và không có khả năng tự thiết kế và xây dựng thương hiệu. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, thiếu thông tin thị trường.

Cũng theo tính toán của toàn ngành dệt may, nhu cầu nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 cho các vị trí quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, khối kinh tế, khối kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bình quân hàng năm lần lượt là: 3.240 người/năm; 13.200 người/năm; 5.650 người/năm; 7.550 người/năm và 50.600 người/năm.

Hiện cả nước có 12 trường đào tạo nhân lực trình độ đại học cho ngành dệt may, trong đó có 9 trường mới tuyển sinh trong 5 năm gần đây. Số lượng tuyển sinh của 12 trường này chỉ xấp xỉ 300 - 500 sinh viên/năm. Có nhiều loại nhân lực rất cần cho ngành dệt may như quản trị đơn hàng, nhưng chưa có cơ sở nào đào tạo. Một số công đoạn đòi hỏi nguồn nhân lực lớn như sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300 - 400 kỹ sư/năm, nhưng các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, chưa đáp ứng được 10% nhu cầu phát triển của toàn ngành.

Từ thực tế này, bà Hường cho rằng, nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng cả về số lượng và chất lượng, thì Việt Nam sẽ khó tận dụng được cơ hội từ AEC cả trước mắt và lâu dài.

Không chỉ dệt may, mà các ngành khác cũng gặp khó khi cơ cấu nhân lực lao động cũng có nhiều bất cập lớn và khó có thể khắc phục trong thời gian gần. Hiện ở Việt Nam đang có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” khi tỷ lệ 1 Đại học/ 0,35 Cao đẳng/ 0,65 Trung cấp/ 0,4 Sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) phải hơn nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học trở lên).

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề cao trong tổng số lao động đang làm việc của Malaysia chiếm 25%, của Singapore là 49%, trong khi của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 15%.

Cũng theo điều tra của WB, nếu lấy thang điểm 10 cho chất lượng lao động, thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94 điểm. 

Bên cạnh tay nghề yếu, ông Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) thừa nhận, lao động Việt Nam khó tham gia thị trường lao động ASEAN còn đến từ trình độ ngoại ngữ. Rất ít lao động Việt Nam được học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia... Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 - 9), thuộc nhóm trung bình thấp; đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53) và Indonesia (5,97).

Trước thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hôi đã tập trung nguồn lực đầu tư cho 45 trường nghề chất lượng cao, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Không dễ thuê lao động từ AEC
Mặc dù báo cáo của Manpower Group cho thấy, khó có thể có sự dịch chuyển lớn về lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2016, song khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư