Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Bà Chúa Mõ” - vở diễn cuối trong chương trình Sáng đèn Nhà hát thành phố Hải Phòng năm 2023
Quỳnh Nga - 23/12/2023 07:42
 
“Bà Chúa Mõ” là vở diễn nhằm tôn vinh những công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân con gái của vua Trần Thánh Tông đã có nhiều đóng góp cho việc mở mang và tạo dựng cuộc sống của người dân Nghi Dương (huyện Kiến Thụy ngày nay).

Đây là vở diễn cuối trong chương trình Sáng đèn Nhà hát thành phố Hải Phòng của năm 2023.

Chia sẻ về vở cải lương “Bà Chúa Mõ”, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Hải Phòng cho biết, ngành văn hóa Hải Phòng lựa chọn dàn dựng vở cải lương “Bà Chúa Mõ” nhằm khắc ghi công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân. Đây là một vở diễn giàu tính nghệ thuật, đẹp về nội dung tư tưởng, tôn vinh truyền thống, lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Hải Phòng.

Bằng nghệ thuật cải lương, vở diễn đã kể lại về cuộc đời của Công chúa Quỳnh Trân, người có nhiều đóng góp mang lại sự phát triển và no ấm cho vùng đất cửa Biển.

Vở cải lương "Bà Chúa Mõ" nhằm khắc ghi công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân.

Ông Vũ Gia Thùy, Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng cho biết, ngoài tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, còn có một số nghệ sĩ của một số đoàn nghệ thuật trong cả nước cùng tham gia vở diễn như nghệ sĩ Minh Lý, Lê Tuấn đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Thu Hiền đến từ Đoàn Cải lương Hà Nội… Vở cả lương “Bà Chúa Mõ” được công diễn vào tối 24/12/2023 tại Nhà hát thành phố.

Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước sáp nhập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn theo mô hình Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh hay Nhà hát thành Nghệ thuật truyền thống…, thì Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập bao gồm kịch nói, chèo, cải lương, múa rồi và ca múa nhạc. Bên cạnh sự chủ động trong sáng tác, biểu diễn thì các đoàn còn mời thêm nhiều tác giả, đạo diễn và các nghệ sĩ đến từ Trung ương cho thấy sự đầu tư dàn dựng những tác phẩm có quy mô và chất lượng cao.

Vở diễn “Bà Chúa Mõ” có nội dung về Công chúa Quỳnh Trân con gái vua Trần Thánh Tông, một người con gái tài đức vẹn toàn. Bà là người xuất gia theo Phật nhưng lại giúp người dân xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn xưa nay thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.

Một cảnh trong vở diễn.

Thấy địa thế đất này giống như con chim đang bay, núi non, sóng nước mênh mông, phong cảnh thanh u, nên công chúa đã làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, chùa được mở rộng, lập ra điền trang thái ấp, Công chúa Quỳnh Trân đã dạy dân khai khẩn ruộng nương, gieo hạt, ươm mầm, trồng dâu, dệt lụa. Cùng với tiếng mõ, hiệu lệnh quen thuộc trong lao động sản xuất, bà đã mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống tốt đẹp.

Tiếng mõ được dùng như hiệu lệnh trong hoạt động sản xuất và đời sống của người dân khi đó.

Bà đã quy ước dùng tiếng mõ như hiệu lệnh để “điều hành” hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của mọi người. Từ đó, mọi người truyền ngôn gọi chùa là “chùa Mõ”. Sau khi Công chúa viên tịch, dân sở tại lập đền thờ cạnh chùa, gọi là đền Mõ, thờ “Bà chúa Mõ”.

Di tích đền Mõ thuộc địa bàn xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng được xác định là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa thờ Công chúa Quỳnh Trân, người có công tập hợp, hướng dẫn người dân nơi đây khai khẩn đất đai, cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo dựng cuộc sống làng quê Nghi Dương trù phú từ thế kỷ XIII. Di tích đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong và năm 1991 cụm Di tích đền-chùa Mõ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Hiện, nơi đây có cây gạo cổ thụ hơn 700 năm, tương truyền do chính tay Công chúa Quỳnh Trân trồng. Cây gạo vẫn tỏa bóng mát với cành lá sum suê và rực đỏ trong mùa hoa tháng 3. Cây gạo đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam và được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.

Quần thể di tích đền, chùa Mõ với cây gạo hơn 700 năm tuổi.

Khu Di tích lịch sử đền, chùa Mõ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Lễ hội đền Mõ được tổ chức vào dịp đầu năm âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng làng đặc biệt này và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, cuộc sống phát đạt.

Trước đó, sự thành công của vở kịch “Romeo và Juliet” đã được Đoàn Kịch nói Hải Phòng phối hợp cùng các nghệ sĩ đến từ Hà Nội, đạo diễn Bùi Như Lai và vở ca kịch "Những người khốn khổ" của đại văn hào Victor Hugo do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Đây đều những tác phẩm kinh điển của thế giới được “tái sinh” trên sân khấu đã mang lại tiếng vang và nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Hải Phòng phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam theo hướng xanh, bền vững
Chiều 18/12, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã chủ trì nghe báo cáo ý tưởng, phương án thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư