Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bắc Giang dồn lực thu hút đầu tư vào du lịch
Kỳ Thành - 08/10/2018 09:23
 
Theo ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, chú trọng xây dựng môi trường, chính sách hấp dẫn, thuận lợi, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và đào tạo cung cấp nhân lực ngành du lịch có chất lượng là những giải pháp tổng thể để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Được biết, ngày 7/10 tới, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch năm 2018 với sự tham gia của nhiều bộ, ngành Trung ương và các nhà đầu tư. Tại sao du lịch lại là lĩnh vực được tỉnh Bắc Giang chú trọng thu hút đầu tư vào thời điểm này, thưa ông?

Là một phần của Kinh Bắc văn hiến cổ xưa, Bắc Giang có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều lễ hội nổi tiếng. Trên địa bàn tỉnh có 2.237 di tích, trong đó có 711 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được các cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng, cụ thể: 101 di tích cấp quốc gia; 583 di tích cấp tỉnh; 2 di tích quốc gia đặc biệt; 1 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt (gồm 25 di tích). Tỉnh hiện có 3 di sản được thế giới công nhận và đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là di sản thế giới.

.
.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ phát triển du lịch và tạo bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế thì quy mô du lịch của tỉnh còn nhỏ bé, việc thu hút đầu tư phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn do có ít doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư vào du lịch tại Bắc Giang. Công tác quảng bá, liên kết phát triển các tour, tuyến du lịch chưa hiệu quả…

Do đó, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Nghị quyết số 44-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 để chỉ đạo phát triển hoạt động du lịch của tỉnh. Nghị quyết đã tác động tích cực đến phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của Bắc Giang và đạt được một số kết quả quan trọng.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2018 chính là bước triển khai tiếp theo Nghị quyết số 44, nhằm tạo sự đột phá hơn nữa trong phát triển du lịch của tỉnh.

Nghị quyết 44-NQ/TU của tỉnh Bắc Giang đã đạt được một số kết quả quan trọng. Xin ông chia sẻ thêm về những kết quả này?

Trong những năm qua, hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, đã có bước chuyển biến tích cực như: Hoàn thành đưa vào sử dụng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; tập trung thi công đường cao tốc đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn; đầu tư xây dựng đường giao thông như đường tỉnh 293, 295, 295B, đường vào chùa Bổ Đà... Một số dự án mới được hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác như Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (giai đoạn I), Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân tại huyện Tân Yên, Sân golf Yên Dũng, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Đó là những điểm thu hút đông đảo du khách.

Trong đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang được triển khai tích cực, đến nay các hạng mục công trình chính đã cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành chùa Thượng và tuyến cáp treo vào cuối năm 2018; phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử và tổ chức khai hội vào tháng Giêng năm 2018. Tỉnh cũng đã mở tuyến xe buýt Bắc Giang - Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử để phục vụ du khách, đặt tên tuyến đường tỉnh 293 là đường Tây Yên Tử nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cũng đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu là tăng số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 360 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 4.700 buồng nghỉ, trong đó có 2 khách sạn 4 sao. Hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp, các doanh nghiệp lữ hành bước đầu đã có sự liên kết với nhau để đón khách, từng bước xây dựng những tour, tuyến du dịch tại địa phương, có 27 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.

Bên cạnh đó, với lợi thế là vùng đất giàu giá trị tâm linh, văn hiến, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trú trọng; hiện có thêm 3 di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà; một số lễ hội lớn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội chùa Bổ Đà, Lễ hội Yên Thế, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, Lễ hội Đình Vồng, Lễ hội Y Sơn, Lễ hội Suối Mỡ. Tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 bảo vật quốc gia là hương án đá chùa Khám Lạng, bia đá thời Mạc tại Núi Cốc, mộc bản chùa Bổ Đà. Đây là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Trọng tâm của tỉnh Bắc Giang là tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng.
Trọng tâm của tỉnh Bắc Giang là tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng.

Hơn 2 năm qua, lượng khách đến Bắc Giang, cả khách trong nước và quốc tế đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016 đạt 525.000 lượt, năm 2017 đạt 1,2 triệu lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt 950.000 lượt.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Bắc Giang, xin ông chia sẻ định hướng trong thời gian tới để có thể hoàn thành mục tiêu này?

Tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tạo ra môi trường, chính sách hấp dẫn, nhằm thu hút nhà đầu tư vào du lịch. Cùng với đó, tăng cường đầu tư hạ tầng và đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Với 3 sản phẩm du lịch trọng tâm được tỉnh đặc biệt chú trọng là: văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng, Bắc Giang đang xây dựng Quy định mô hình quản lý, công nhận khu du lịch cấp tỉnh.

Trọng tâm là tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch Tây Yên Tử. Quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển du lịch chùa Bổ Đà gắn với hệ thống làng cổ, làng nghề (làng rượu Vân, làng gốm Thổ Hà) và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ. Quy hoạch và mở rộng điểm du lịch cây Dã Hương ngàn năm tuổi gắn với đình, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, tạo sự gắn kết du lịch với di tích An toàn khu II và khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân.

Về đầu tư hạ tầng, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội địa phận tỉnh Bắc Giang, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch ở khu vực phía Tây Nam. Để tạo thêm sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch, Bắc Giang cũng đang phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân golf Trung Sơn, thực hiện dự án xây dựng sân golf Khám Lạng, thực hiện giai đoạn II của sân golf Yên Dũng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành du lịch thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp du lịch; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ dướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch của tỉnh, kỹ năng quản lý điểm đến cho các ban quản lý di tích, ban quản lý các khu, điểm du lịch, đảm bảo tất cả các khu, điểm du lịch trong tỉnh đều có hướng dẫn viên, thuyết minh viên thông thạo về nội dung và kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng kịp với nhu cầu thụ hưởng sản phẩm của du khách.

Về chính sách hỗ trợ, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như: hỗ trợ đầu tư công trình giao thông từ trục giao thông chính đến địa điểm thực hiện dự án; thành lập Ban chỉ đạo gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan để hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thành lập tổ tư vấn hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các trình tự, thủ tục liên quan đến triển khai dự án đầu tư.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Bắc Giang phấn đấu thu hút trên 40.000 tỷ đồng đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch, tiêu biểu như thu hút nhà đầu tư triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần - Bắc Giang (huyện Lục Ngạn); Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Hố Cao (huyện Lạng Giang); Dự án Khu đô thị sinh thái kết hợp với công viên tại khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang; Dự án Khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp thuộc khu đô thị phía Nam, TP. Bắc Giang; Khu đô thị sinh thái Nham Biền tại thị trấn Neo (huyện Yên Dũng); Khu du lịch văn hóa Làng cổ Bắc bộ tại xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên)...

Một tin vui là vào ngày 7/10 tới, UBND tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 16 dự án trong lĩnh vực du lịch. Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là cú hích để đưa du lịch tỉnh Bắc Giang lên tầm cao mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư