Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bắc Giang tăng tốc thu hút FDI
Lưu Hiền - 30/08/2013 08:27
 
Hơn 44,5 triệu USD là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà tỉnh Bắc Giang thu hút được trong 8 tháng đầu năm 2013. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh không ít địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  tỉnh Bắc Giang trao đổi về kết quả này.
TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn ban đầu

Những yếu tố nào khiến Bắc Giang bứt phá và lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2012, thưa ông?

Bắc Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế nổi bật về vị trí địa lý, khi nằm giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, liền kề Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang

Cùng với đó, thời gian qua, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Đó là những yếu tố chính để Bắc Giang trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng từ đây, kết quả thu hút vốn FDI đã có chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể vào ngân sách, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể trong năm 2012, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 16 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 132,02 triệu USD, tương đương 2.706,4 tỷ đồng. Với kết quả này, Bắc Giang lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2012.

Điều đáng ghi nhận là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2012, doanh thu của các doanh nghiệp này đạt 1.112 triệu USD, tăng 88% so với năm 2011, đóng góp vào ngân sách địa phương 85 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD, tăng 2 lần so với năm 2011 và bằng 77,1% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm mới cho khoảng 3.500 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực này lên khoảng 50.000 lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong tỉnh.

Các lĩnh vực kinh tế nào đang và sẽ được tỉnh Bắc Giang ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI?

Định hướng thu hút đầu tư nói chung và thu hút vốn FDI nói riêng đã được tỉnh Bắc Giang cụ thể bằng Kế hoạch Tổng thể xúc tiến đầu tư giai đoạn 2011-2015. Theo đó, chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cụ thể, trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án có hiệu ứng lan toả cao (có khả năng lôi kéo các dự án đầu tư khác), sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Với khu vực ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động tại chỗ, đặc biệt tập trung thu hút các lĩnh vực: công nghiệp - xây dựng (tập trung thu hút đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đô thị, chú trọng thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ...);

Về dịch vụ, tỉnh tập trung thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn trong khu vực đô thị, kêu gọi đầu tư 2 loại hình du lịch là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch văn hoá tâm linh, thu hút đầu tư các loại hình đầu tư giáo dục và đào tạo, y tế, tài chính, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông…

Trong lĩnh vực nông- lâm - thủy sản, Bắc Giang kêu gọi các dự án đầu tư chế biến nông-lâm sản công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời, thu hút các dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trồng rừng…

Chưa hết khó khăn

Hiện một số địa phương để mất cơ hội thu hút thêm vốn FDI do không đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà đầu tư về hạ tầng kỹ thuật. Với tỉnh Bắc Giang thì sao, thưa ông?

Trong giai đoạn hiện nay, suy giảm kinh tế tiếp tục diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI vào Bắc Giang. Một thách thức không nhỏ nữa là, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, gây cản trở lớn trong việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng các khu công nghiệp chậm được hoàn thiện.

Về việc cung cấp nguồn lao động, công tác đào tạo lao động chưa thực sự gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy lực lượng lao động dồi dào, song còn thiếu lao động có trình độ quản lý, lao động có trình độ tay nghề cao. Những tồn tại trên đang là rào cản cho chiến lược thu hút nguồn vốn FDI về lâu dài.

Vậy thực tế trên xuất phát từ những nguyên nhân chính nào?

Thứ nhất, trong những năm qua, kinh tế thế giới biến động rất phức tạp đã ảnh hưởng bất lợi tới công tác thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các nhà đầu tư cũng dẫn tới khó khăn trong thu hút đầu tư.

Thứ hai, ngân sách tỉnh Bắc Giang còn hạn hẹp, nên kinh phí bố trí cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế.

Thứ ba, hiện các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp mới quan tâm đầu tư mặt bằng cho thuê, chứ chưa quan tâm đầu tư hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý nước thải, do vậy không đáp ứng được nhu cầu của những nhà đầu tư khó tính.

Thứ tư, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư.

Đẩy mạnh thu hút FDI

Để đạt mục tiêu thu hút 13.800 tỷ đồng vốn FDI vào năm 2015, tỉnh Bắc Giang cần chú trọng những giải pháp nào, thưa ông?

Tỉnh Bắc Giang xác định, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thu hút được khoảng 6.560 tỷ đồng vốn đầu tư FDI. Từ nay đến năm 2015, Bắc Giang phấn đấu đạt 7.240 tỷ đồng, để cán đích kế hoạch thu hút vốn FDI trong giai đoạn 2011-2015 (13.800 tỷ đồng).

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư.

Mặt khác, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố có công nghiệp phát triển, thuận lợi trong thu hút đầu tư như: Cụm công nghiệp Tăng Tiến (Việt Yên), Cụm công nghiệp Yên Lư (Yên Dũng);

Tỉnh cũng quan tâm kêu gọi các dự án ODA để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội như các dự án cải tạo và nâng cấp giao thông, cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện... nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bắc Giang cũng sẽ xây dựng và tích cực triển khai Kế hoạch Nâng hạng năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án được chấp thuận đầu tư, tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai “một cửa điện tử”, tiếp tục áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008 trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư; điều chỉnh, bổ sung và triển khai các Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch Phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch Vùng liên huyện dọc tuyến tỉnh lộ 293 (trên địa bàn thành phố Bắc Giang và các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Cuối cùng, tỉnh đẩy mạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết một số vấn đề xã hội quanh các khu công nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư