Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 03 tháng 09 năm 2024,
Bạc Liêu tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế
Tự Huy - 03/09/2024 09:14
 
Với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung sức vượt qua khó khăn, kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực, phấn đấu đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm mô hình nuôi tôm sinh thái hiệu quả chất lượng cao tại tỉnh Bạc Liêu
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm mô hình nuôi tôm sinh thái hiệu quả chất lượng cao tại tỉnh Bạc Liêu

Nỗ lực cho mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD

Xuất khẩu tôm là thế mạnh kinh tế hàng đầu của Bạc Liêu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực này chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nếu như trước đây, phần lớn doanh nghiệp chỉ tập trung xuất tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô với giá trị thấp, thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng từ tôm có giá trị gia tăng cao. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp tăng khả năng cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.

Theo Sở Công thương Bạc Liêu, để phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,158 tỷ USD vào năm 2024, tăng 15% so với cùng kỳ và hướng đến kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025, Sở sẽ cung cấp thông tin kịp thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu; tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt là duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và châu Âu; tích cực tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để tăng cường kết nối trực tiếp. 

Quyết liệt giải ngân trên 95% vốn đầu tư công

Xác định giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã giao vốn đến các chủ đầu tư ngay từ đầu năm.

Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Tỉnh ủy dẫn đầu cùng với Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi cơ sở khảo sát, kiểm tra thực địa và nghe các chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo tình hình triển khai các công trình trọng điểm, từ đó có ngay các giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải ngân vốn mới đạt gần 40%, chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, Sở sẽ chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất; đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công chậm, một số chủ đầu tư còn thiếu sát sao, chưa thật sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức triển khai; các sở, ngành còn chậm trễ trong việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư; một số dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Các dự án mua sắm trang thiết bị có giá trị lớn rất khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu. Công tác lựa chọn đơn vị tư vấn tại một số dự án còn chưa tốt, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn về năng lực, kinh nghiệm, nên trong quá trình triển khai phải trình xử lý phát sinh hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương và chủ đầu tư tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên kết vùng và các chương trình mục tiêu quốc gia.

UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân. Trong đó, cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai từng dự án, chủ động chuẩn bị tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết để triển khai ngay các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao. Cùng với đó, xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện tốt công tác báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư. Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến cuối 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên.

Phát triển các ngành kinh tế và nâng cao chất lượng quy hoạch

Quyết tâm vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời, tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao; thực hiện có hiệu quả Chương trình Khai thác hải sản trong Chiến lược Phát triển kinh tế biển và các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển nhiều vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả; tiếp tục phát triển, khai thác giống lúa BL9. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị. Chủ động phòng ngừa, ứng phó với tình hình thiên tai; tăng cường công tác phòng chống sạt lở, sụt lún; phòng chống lụt bão, có giải pháp ứng cứu, xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân.

Các sở, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân. Thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quần thể chim hoang dã và giám sát thành phần loài, số lượng cá thể các loài chim. Theo dõi biến động giá muối và sản lượng muối tồn trong dân. Tiếp tục khẩn trương chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024.

Toàn tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 7/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Theo đó, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực như Dự án Điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW), Dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50 MW)...; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh). Bảo đảm đồng bộ quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng chính phủ xem xét, ban hành.

Tỉnh sẽ phát triển đô thị theo Kế hoạch Phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, phấn đấu xây dựng TP. Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; xây dựng thị xã Giá Rai trở thành thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và huyện Hòa Bình thành thị xã.

Đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu năm 2024 hoàn thành 200 căn nhà ở xã hội theo kế hoạch đề ra.

Tạo cú huých để thương hiệu muối Bạc Liêu phát triển bền vững
Có tuổi đời hơn 100 năm, song nghề làm muối ở Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều thăng trầm trong quá trình duy trì và phát triển, vì vậy cần mở một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư