Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
BaF Việt Nam tiếp tục biến động lãnh đạo cấp cao đầu năm 2024
Duy Bắc - 05/02/2024 07:55
 
Sau khi thay đổi hàng loạt lãnh đạo nửa cuối năm 2023, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE) tiếp tục biến động lãnh đạo cấp cao đầu năm 2024.

Ngày 31/1/2024, Công ty BaF Việt Nam thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Non và đồng thời, bổ nhiệm ông Trương Anh Tuấn vào vị trí Phó tổng giám đốc từ ngày 1/2/2024.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Non sinh năm 1977, được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc từ ngày 25/7/2023 (trước khi bổ nhiệm Phó tổng giám đốc là Giám đốc thú y dịch bệnh tại Công ty).

Như vậy, chỉ hơn 6 tháng được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Non bất ngờ bị miễn nhiệm.

Trước đó, ngày 30/5/2023, Công ty BaF Việt Nam Quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Phan Ngọc Ấn; ngày 22/6/2023, BaF Việt Nam vừa quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị đối với bà Nguyễn Thị Hường; ngày 25/7/2023, ông Bùi Quang Huy nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT với lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Hội đồng quản trị; ngày 15/9/2023, BaF Việt Nam cho biết đã miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của ông Nguyễn Tiến Thành từ ngày 15/9/2023; ngày 27/9/2023, Công ty BaF Việt Nam nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng ban kiểm soát của ông Nguyễn Thanh Hải và vị trí thành viên Ban kiểm soát của bà Dương Thị Hồng Tân.

BaF Việt Nam ghi nhận lỗ kỷ lục từ khi niêm yết trong quý IV/2021 tới nay

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.625 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ kỷ lục 29,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 6,55 tỷ đồng, tức giảm tới 36,01 tỷ đồng. Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm từ 2,9%, về chỉ còn 2,5%.

Được biết, cổ phiếu BAF chính thức niêm yết sàn HoSE ngày 3/12/2021. Trong đó, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ khi niêm yết quý IV/2021 đến quý III/2023, Công ty BaF Việt Nam chưa ghi nhận lỗ trong quý nào, đây là lần ghi nhận lỗ kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 34% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 21,27 tỷ đồng, về 41,22 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 181%, tương ứng tăng thêm 7,26 tỷ đồng, lên 11,27 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 116,9%, tương ứng tăng thêm 29,71 tỷ đồng, lên 55,13 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,4%, tương ứng tăng thêm 4,9 tỷ đồng, lên 52,04 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận lợi nhuận cốt lõi âm 65,95 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 10,07 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận gộp mà Công ty BaF Việt Nam tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty giảm lỗ nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Chỉ hoàn thành 7,8% so với kế hoạch lãi năm 2023

Luỹ kế trong năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 5.250,4 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 23,38 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2023, Công ty BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Như vậy, kết thúc năm 2023, Công ty BaF Việt Nam đã không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt khiêm tốn 7,8% so với kế hoạch lãi tham vọng 301,43 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 213,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 269,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.322,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.492,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng vốn kéo dài.

Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, trước đó năm 2022, Công ty BaF Việt Nam đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 269,4 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty cũng đã có hai năm dòng tiền âm, năm 2018 ghi nhận âm 1.175,87 tỷ đồng và năm 2019 ghi nhận âm 230,48 tỷ đồng.

Về quy mô tài sản, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Công ty BaF Việt Nam tăng 39% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.844,9 tỷ đồng, lên 6.574 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 1.615,4 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.604,6 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.093,8 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 905,1 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 771,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Điểm đáng lưu ý, về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi tăng 141,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.355 tỷ đồng, lên 2.312,3 tỷ đồng và bằng 121,3% vốn chủ sở hữu (đầu kỳ chỉ ghi nhận 957,3 tỷ đồng, bằng 54,9% vốn chủ sở hữu).

BaF Việt Nam: Lãnh đạo chủ chốt mua 7,1 triệu cổ phiếu ESOP với giá chiết khấu 61,5%
Kinh doanh lao dốc, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE) sẽ được mua cổ phiếu ưu đãi với giá thấp hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư