Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Tiêu điểu đầu tư tuần qua:
Bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và 16 triệu USD vốn FDI đăng ký mới vào Hà Nội
Hồ Hạ (tổng hợp) - 03/08/2019 12:12
 
Tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong tháng 8; sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam tham gia làm cao tốc Bắc – Nam; Đà Nẵng phê duyệt hơn 700 tỷ đồng cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; Hà Nội thu hút 16 triệu USD vốn FDI đăng ký mới trong tháng 7… là những tin tức về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong tháng 8

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.

Thông báo nêu rõ, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cùng với Nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan đã khẩn trương bàn giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng Dự án và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; chỉ đạo hoàn thành 99,34% khối lượng công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục thi công xây dựng công trình đạt khoảng 25% giá trị khối lượng, tăng 10% so với trước khi chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, Dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc quá trình triển khai Dự án, còn có sự lúng túng trong sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc xác định tổng mức đầu tư điều chỉnh cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh Dự án, đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các Bộ, ngành và cả hệ thống chính trị tại địa phương. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với 20 triệu đồng bào tại Đồng bằng sông Cửu long.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, bảo đảm thông xe vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 cần phải có giải pháp tổng thể, cũng như giải pháp cụ thể để xử lý những vấn đề đặt ra, đặc biệt là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, với tinh thần "Đảm bảo tiến độ - Đảm bảo chất lượng - Đảm bảo hiệu quả - Không tham nhũng tiêu cực", công khai minh bạch và an toàn công trình.

Sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam tham gia làm cao tốc Bắc - Nam

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ 1/8, phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về việc có nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng có nhiều tiêu chí thầu quá cao trong sơ tuyển đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, khiến họ khó tham gia, dẫn đến những gói thầu dễ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc Bắc-Nam là trục xương sống quốc gia thì ngoài những vấn đề về giao thông thì cần lưu ý về vấn đề an ninh quốc phòng.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về tiêu chí để sơ tuyển và đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp trình, báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội sau đó đã xác định những đoạn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654 km với 8 dự án được phân chia.

Để phân chia các dự án này, trong quá trình xem xét phân chia dự án, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra các tiêu chí, đánh giá thật kỹ. Đối với dự án phải xác định xây dựng và sẽ thu phí theo hướng đối tác công tư. Như vậy cần phải xem xét đến tính hiệu quả của dự án, phải có kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu hoặc vòng kết nối với Quốc lộ 1,…

Các tiêu chí như điều kiện địa hình và hệ thống đường đã có cũng như trung tâm kinh tế, chính trị dọc các tuyến sẽ được dùng để xác định các điểm đầu, điểm cuối của các dự án này.

"Với những tiêu chí vậy, chúng tôi đã xác định các dự án có thể để bảo đảm vừa hiệu quả cũng như bảo đảm tính kết nối, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia", ông Đông khẳng định.

Theo quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư bao nhiêu thì quy định mức vốn của chủ sở hữu phải là bao nhiêu trong trường hợp đối tác công tư tại Nghị định 63 của Chính phủ đã được ban hành. Ở đây trong trường hợp cụ thể là áp dụng mức 20% của tổng mức đầu tư đối với vốn, là điều kiện để tham gia. Vấn đề này đã được xem xét trong quá trình thông qua của Quốc hội và thực hiện dự án thầu. Đặc biệt quan trọng hơn là phù hợp với quy định trong Nghị định.

Tiêu chí được xác định trong phân đoạn của các dự án bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút đầu tư, thu hồi vốn; xác định trên mức của dự án và xác định quyền mức tỷ lệ của vốn điều lệ tham gia, còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và từ vốn huy động khác.

Liên quan đến đấu thầu của dự án này, trước hết áp dụng theo hình thức đối tác công-tư (PPP), theo Luật Đấu thầu là phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu có quy định trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì các cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt. Chúng ta đang trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển theo hình thức đấu thầu, trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm rõ.

Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp thẩm quyền liên quan đến vấn đề đấu thầu để bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của các cấp thẩm quyền, đặc biệt theo Nghị quyết 52 của Quốc hội.

Đà Nẵng phê duyệt hơn 700 tỷ đồng cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý

Ngày 30/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý đã được UBND thành phố phê duyệt báo cáo dự án tại Quyết định số 3291/QĐ-UBND ngày 25/7/2019.

Theo đó, chủ đầu tư kiêm quản lý dự án là Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông. Quy mô đầu tư dự án là Tuyến đường 2 tháng 9 có bề rộng cầu 14m, đường gom hai bên 6m, vỉa hè 3m. Tuyến đường Duy Tân thì phần hầm và đường dẫn vào hầm đoạn từ Hoàng Diệu đến Bạch Đằng nối dài bề rộng hầm 15,5m. Đoạn từ Lê Đình Thám đến Hoàng Diệu và Bạch Đằng nối dài đến đầu cầu Trần Thị Lý bề rộng đường dẫn vào hầm 14,5m. Phần đường gom: Bề rộng mặt đường từ 6-10,5m, bề rộng vỉa hè từ 2-7,5m …

Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Nút giao đường 2 tháng 9 – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý tổ chức giao thông khác mức 3 tầng gồm tầng mặt đất bố trí đảo xuyến, tầng ngầm bố trí hầm và tầng trên cùng bố trí cầu vượt; cầu vượt gồm 5 nhịp…

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 723 tỷ đồng, từ vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Đông như nút giao đường Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt dự án sẽ giúp giảm thiểu ùn  tắc giao thông trong giờ cao điểm; tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và biển phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công suất phục vụ của sân bay quốc tế Đà Nẵng và tổ chức giao thông mạng lưới đường đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

Hà Nội thu hút 16 triệu USD vốn FDI đăng ký mới trong tháng 7

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 7, Hà Nội đã cấp phép mới cho 68 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đạt 16 triệu USD. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay, Thành phố có 475 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 270 triệu USD.

Ngoài ra, có 111 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 359 triệu USD và nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 4.481 triệu USD. Với những kết quả trên, Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Hà Nội ưu tiên thu hút Dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao
Hà Nội ưu tiên thu hút dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao

Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đã thu hút được gần 14,05 tỷ USD, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Năm 2018, Thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, đứng đầu cả nước và là kết quả cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh việc thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, Hà Nội đã thu hút được các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, xử lý nước sạch, xử lý rác thải và giáo dục đào tạo. Cùng với đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô.

Có thể kể đến các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại như giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công và các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng như dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic…

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong năm 2019, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, nhất là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Hà Nội thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Mục tiêu  giải ngân FDI đạt trên 2,3 tỷ USD.

Đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi yêu cầu các sở, ngành liên quan hỗ trợ chủ đầu tư hoàn tất thủ tục, đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án hầm đỗ xe và dịch vụ công cộng Trống Đồng, Quận 1, TP.HCM.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án để nhà đầu tư tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định.

Khuôn viên của Dự án Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng, một trong 4 Dự án bãi đậu xe ngầm chậm tiến độ tại TP.HCM
Khuôn viên của dự án Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng, một trong 4 dự án bãi đậu xe ngầm chậm tiến độ tại TP.HCM

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp sở ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương có ý kiến về phương án thiết kế kiến trúc công trình theo hồ sơ của nhà đầu tư đã nộp.

Bên cạnh đó, UBND Quận 1 chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 1 khẩn trương hoàn tất thủ tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời (cập nhật phương án di dời cây xanh, các thủ tục thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay), trình duyệt theo đúng quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo Thành phố đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (Chủ đầu tư dự án) chủ động liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 1 để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục đầu tư, khởi công dự án theo đúng tiến độ đã cam kết trong năm 2020.

Trường hợp công ty không khởi công dự án theo đúng tiến độ đã cam kết, Thành phố sẽ tiến hành thủ tục thu hồi dự án theo quy định.

Dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất ngày 15/7/2010. Tuy nhiên, dự án bị "bất động" suốt 9 năm qua do hàng loạt vướng mắc.

Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các thủ tục, quy định như: tiêu chuẩn PCCC, định mức chi phí đầu tư xây dựng công trình ngầm, đơn giá đất thuê ngầm chưa có quy định cụ thể cho từng công trình... Vì vậy, đến năm 2016 mới hoàn tất thiết kế bản vẽ thi công và xin phép xây dựng.

Đến thời điểm này, dự án lại bị xác định nằm trong vùng kiểm soát công trình của tuyến metro số 2 nên buộc phải tiếp tục điều chỉnh.

Theo quy hoạch, trung tâm Thành phố sẽ có 4 bãi đậu xe ngầm, đáp ứng được 6.300 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được triển khai.

Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã giao các đơn vị liên quan chấm dứt hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với dự án bãi đậu xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám do động thổ từ năm 2010 nhưng "đắp chiếu" đến nay. Công trình có tổng vốn hơn 110 triệu USD với diện tích sàn hơn 100.000 m2, có sức chứa hơn 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 xe buýt và xe tải.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư