Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ban hành biểu thuế thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 - 2027
Thế Hoàng - 02/01/2023 10:19
 
Nghị định 129 quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện RCEP từ 2022 - 2027 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo RCEP.
Thực thi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực,
Thực thi RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực,

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022 - 2027, thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2022, quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC.

Đây là Nghị định biểu thuế đầu tiên để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hiệp định RCEP/.  Về cơ bản, nội dung Nghị định được quy định tương tự Nghị định Biểu thuế FTA khác ban hành cùng thời điểm - được áp dụng ổn định và không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực thi thời gian qua, có bổ sung một số Điều khoản đặc thù của Hiệp định RCEP.

Các biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 129 gồm: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho các nước ASEAN, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 129; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Australia; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Trung Quốc; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Nhật Bản; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Hàn Quốc; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho New Zealand.

Trường hợp Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sửa đổi, bổ sung, người khai hải quan kê khai mô tả, mã hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi, bổ sung và áp dụng thuế suất của mã hàng hóa được sửa đổi, bổ sung quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định này.

Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng 04.07, 17.01, 24.01, 25.01, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định này; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Việc ban hành Nghị định số 129 góp phần xây dựng thể chế để triển khai cam kết thuế quan của Việt Nam theo Hiệp định RCEP, qua đó, tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2022.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Hiệp định ký kết cuối năm 2020, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm.

Các mặt hàng xuất khẩu chính hưởng lợi từ RCEP bao gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông.  Trong dài hạn, hiệp định này sẽ tạo ra nền tảng để tạo dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó vai trò của Việt Nam là hết sức quan trọng. Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm ở mức 6 – 7% trong thời gian từ 2021-2030.

Thực thi RCEP mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... 

RCEP kết nối chuỗi sản xuất khu vực, thúc đẩy xuất khẩu
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng khả năng kết nối chuỗi sản xuất khu vực, tăng nguồn cung cấp nguyên liệu, hài hòa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư