Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Báo cáo Việt Nam 2035: Khát vọng thịnh vượng và mệnh lệnh cải cách
Bảo Duy - 24/02/2016 08:04
 
Khát vọng 2035 chỉ có thể trở thành hiện thực nếu Việt Nam quyết liệt đẩy nhanh quá trình cải cách.

Việt Nam năm 2035

Hẳn sẽ không có nhiều tranh luận về khát vọng chung của Việt Nam đến năm 2035 mà nhóm chuyên gia tham gia xây dựng Báo cáo Tổng quan “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã hình dung.

Đó là một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Khi đó, tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao; nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức được phát triển trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Việt Nam năm 2035 sẽ là một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới
Việt Nam năm 2035 sẽ là một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới

Đó là xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ, có vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi và sáng tạo. Mọi người dân được đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển và được tự do theo đuổi nghề nghiệp, đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm của mình, không coi nhẹ lợi ích của dân tộc và cộng đồng.

Đó là một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân và giữa Nhà nước với thị trường được làm rõ. Nhà nước sẽ thực hiện các chức năng cơ bản của mình một cách hiệu quả, trong đó bao gồm xây dựng và thực thi pháp luật, xử lý quan hệ quốc tế, đảm bảo trật tự công cộng và an ninh quốc gia, đảm bảo thị trường vận hành tự do, đồng thời giải quyết được các thất bại thị trường. Nhà nước thiết lập các thể chế xã hội vững mạnh nhằm đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Khi đó, Quốc hội sẽ bao gồm các đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân, thực hiện giám sát về hành pháp; phê chuẩn và ban hành các bộ luật có chất lượng. Tương tự, tư pháp sẽ có một vị trí phù hợp, với quyền tự chủ và năng lực mạnh mẽ để giải quyết các tranh chấp trong một xã hội và một nền kinh tế đa dạng hơn. Bộ máy hành pháp được tổ chức tốt với các chức năng rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.

Đó là một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị xã hội được bình đẳng trước pháp luật. Nền tảng của xã hội đó là một xã hội có tổ chức xã hội của người dân vững mạnh và đa dạng, có thể thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của người dân, quyền tiếp cận thông tin và lập hội.

Đó cũng là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu. Đương nhiên, khi đó, Việt Nam phải có một môi trường bền vững…

Ngã ba đường

Các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù thành tựu của 30 năm đổi mới đã tạo ra những thay đổi lớn lao, Việt Nam từ một nước thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình, hoàn thành nhanh chóng nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, hình thành tầng lớp trung lưu…, thì những thành tựu đó chưa đủ để đảm bảo cho sự thành công của khát vọng 2035.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong hai tác giả chính của Chương “30 năm đổi mới và Khát vọng Việt Nam 2035” của Báo cáo cho rằng, cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi, trên nhiều phương diện, dấu ấn về vai trò và cách thức quản lý nhà nước chưa thực sự thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập và những đòi hỏi mới về phát triển bền vững. Đó là chưa nói, yêu cầu đổi mới đang phức tạp hơn vì Việt Nam đang cần đi sâu vào cải cách trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm cả về chính trị, xã hội như doanh nghiệp nhà nước, thị trường đất đai, thị trường lao động, cùng với đó là đẩy mạnh việc tạo dựng thể chế kinh tế hiện đại cùng tiến hành với cải cách chính trị cần thiết.

Hơn nữa, Việt Nam là một nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng vào một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh thời cơ mới to lớn và những tác động hết sức tích cực, thì các xu thế đang hình thành (cả về địa chính trị, cấu trúc dân số, liên kết…) cũng làm thế giới trở nên bất định hơn và Việt Nam phải học cách ứng phó với nhiều rủi ro hơn…

Do vậy, Việt Nam đang ở một ngã ba đường mang tính quyết định.

Đơn cử, nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7%/năm, thì đến năm 2035, Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000. Từ vị trí nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam có cơ sở vững chắc để đạt mức thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng sẽ có cơ hội để bắt kịp, thậm chí vượt các nước láng giềng có thu nhập trung bình như Indonesia, Philippines.

Nhưng nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn mức 4%/năm thì đến 2035, Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan hay Brazil hiện nay và ít có cơ hội bắt kịp các nước láng giềng…

Đó chỉ là ví dụ để thấy rằng, mệnh lệnh với Việt Nam ngay từ bây giờ là phải hoàn thiện thể chế, tạo sân chơi rõ ràng cho Nhà nước, thị trường, cộng đồng… Đây là lý do mà các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chần chừ, do dự cải cách, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội cũng như không thể vượt qua được thách thức.

“Khi đó, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, tụt hậu xa hơn sẽ khó tránh khỏi”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ quan điểm.

Cải cách thể chế để phát triển: Mệnh lệnh không thể chần chừ
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước khúc ngoặt của tiến trình phát triển. Có hai con đường chờ phía trước. Một là cất cánh và phát triển bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư