Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Báo chí luôn ở bên những đòi hỏi cải cách
Khánh An - 21/06/2020 10:39
 
Báo chí luôn ở bên những đòi hỏi cải cách của doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều giá trị xác lập trước đó trở nên bấp bênh, nhưng lại là cơ sở để khẳng định thời thế đang thuộc về những doanh nghiệp quyết tâm thay đổi để tham gia và hơn thế là thiết lập chuỗi cung ứng mới. Trong quá trình này, báo chí luôn ở bên những đòi hỏi cải cách của doanh nghiệp.

Báo chí luôn phản ánh đời sống kinh doanh một cách sống động. Trong ảnh: Phỏng vấn bên lề sự kiện của Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đầu tháng 6/2020.
Báo chí luôn phản ánh đời sống kinh doanh một cách sống động. Trong ảnh: Phỏng vấn bên lề sự kiện của Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ đầu tháng 6/2020.

1.

“Nếu báo chí ủng hộ, tôi sẽ nói, nếu không thì lại về... ở ẩn”.

Ông chủ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh dừng lại, quay hẳn người về khu vực báo chí. Rất lâu rồi, ông Đỗ Anh Dũng mới xuất hiện trong một hội thảo đông người.

“Doanh nghiệp khó khăn nhiều, nhưng phải tự vượt qua. Nếu chỉ vì khó mà đầu hàng, kêu ca thì không nên làm kinh doanh. Chúng tôi chỉ mong thủ tục hành chính càng ngắn, càng tốt; chính sách càng cập nhật, phù hợp với thị trường, nhất là chính sách tín dụng nhất quán để doanh nghiệp có thể tính toán, dự liệu được thì càng thuận. Một vài doanh nghiệp đề nghị, tiếng nói có thể không đến được các cơ quan liên quan, nhưng các nhà báo sẽ làm được việc đó”, ông Dũng trải lòng với báo chí.

Trước đó, ông Dũng đã dành khá nhiều thời gian để nói về giai đoạn 10 năm với 2 kỳ được cho là trầm lắng của thị trường bất động sản. Một là những năm 2010-2014. Hai là vào ngay lúc này, do tác động của đại dịch Covid-19 và hơn thế, là khó khăn tiềm ẩn từ những chồng chéo, bất ổn của hệ thống chính sách khiến một người “chỉ kinh doanh một nghề là bất động sản từ năm 2006” như ông Dũng cũng không tránh khỏi hệ lụy.

Song, ông không muốn dành lần tái xuất hiếm hoi này để kêu cho mình, mà muốn nhắc tới thị trường bất động sản Việt Nam mà ông tin là còn rất nhiều dư địa phát triển.

Trong đánh giá của giới đầu tư, trước năm 2010, Việt Nam mới có thị trường nhà ở. Thị trường bất động sản thực sự phát triển trong 10 năm trở lại đây, khi xuất hiện các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp với nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, hình thức đầu tư condotel... Đây chính là thời điểm xuất hiện những thương hiệu mang tính khai phá và dẫn dắt sự phát triển của thị trường, dẫn dắt mô hình phát triển, cách thức kêu gọi đầu tư của nhiều địa phương. Có thể nhắc tới mô hình đô thị hiện đại của Vinhomes, mô hình bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng của SunGroup, FLC, Cristal Bay, Eurowindow… hay những đô thị resort ở Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Nam…

Nhưng, ông Dũng, cũng như nhiều doanh nghiệp lại đang nhắc đến “nguy” trong “cơ”

“Chúng tôi vẫn hay nhận được câu hỏi tại sao giá nhà cao? Có ai hiểu rằng, giá bán phải tính cả chi phí chờ đợi làm thủ tục hành chính, chi phí các lần thay đổi chính sách tín dụng với bất động sản... Doanh nghiệp sẽ chuyên nghiệp thế nào khi mà giữa chừng nhận được văn bản thay đổi chính sách”, ông Dũng nói

Ngay với thị trường bất động sản công nghiệp đang được chuyên gia kinh tế nhắc đến như một cơ hội sáng, để đón dòng đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch..., các doanh nghiệp có thái độ thận trọng.

Bởi, nếu không có chính sách đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tốt, không có chính sách thúc đẩy phát triển các ngành logistics, không chuẩn bị nguồn lao động có đào tạo tại chỗ, các doanh nghiệp dù muốn cũng không thể tự mình làm nên sự sôi động của thị trường bất động sản công nghiệp.

“Trước đây, doanh nghiệp bất động sản hay quan tâm đến chính sách ưu đãi thuế, giá thuê đất..., nhưng hiện tại, các nhà phát triển bất động sản quan tâm đến cơ chế, chính sách và chiến lược phát triển ngành, phát triển địa phương. Đây là điều tôi muốn nói với báo chí, để cùng gửi đi thông điệp tới Chính phủ”, ông Dũng gửi gắm tới báo chí.

2.

Sự xuất hiện của ông Dũng tại cuộc tọa đàm liên quan đến bất động sản do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức đầu tháng 6/2020 vừa rồi không phải ngẫu nhiên.

Hơn một tháng trước, ngay khi các giới hạn giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ, thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, là các doanh nhân được Giải thưởng Sao Đỏ vinh danh từ năm 1999 đến nay, đã gặp nhau trong một buổi cà phê sáng. Họ đã bàn đến mục tiêu doanh nghiệp Việt phải có mặt trong thế giới sẽ phục hưng với những chuỗi giá trị mới, những mô hình kinh doanh mới, thậm chí là tạo nên những cấu trúc ngành mới.

Thậm chí, một bản cam kết liên minh doanh nghiệp để phát huy sức mạnh của nhau trong giai đoạn phát triển mới đã được ký kết giữa các doanh nhân Sao Đỏ sau cuộc gặp trên khoảng 20 ngày. 

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ không muốn đóng liên minh trên cho những doanh nhân Sao Đỏ.

“Chúng tôi muốn thiết lập liên minh thực sự, đàng hoàng để cùng sống tốt, sống mãnh liệt trong điều kiện mới. Đây là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp khi thương chiến Mỹ - Trung làm thay đổi nhiều chuỗi giá trị, thúc đẩy nhu cầu tái cấu trúc trong doanh nghiệp Việt. Đại dịch bồi thêm cú huých để tốc độ chuyển dịch nhanh hơn. Vấn đề là chỉ doanh nghiệp với nhau sẽ không thể đi tới tận cùng nhu cầu này”, ông Hồng chia sẻ.

Thực tế là những thông tin về tác động vô cùng lớn và khó dự báo của dịch Covid-19 suốt nửa năm qua đã che khuất đi khá nhiều động thái tái cơ cấu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến nông sản, thủy sản, giày dép... đang tự tin với kế hoạch tạo ra chuỗi cung ứng hoàn toàn mới để phục vụ thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp gỗ cũng đang thay đổi mạnh mẽ khi sự chuyển dịch tới Việt Nam của doanh nghiệp  ngoại trong ngành khá lớn...

Cùng với đó, các thông tin về sự gia tăng hiện diện bằng các tăng số cổ phần sở hữu, mua lại đối tác nội... của các đối tác ngoại trong nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, có thế mạnh của Việt Nam cũng bị mờ đi đôi phần.

Song, các doanh nhân luôn cảm nhận được tình thế.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I đã không nhắc tới lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp hay ngành nghề nào của Việt Nam vào thời điểm này. Thay vào đó, ông nói nhiều đến lợi thế so sánh khi tiến hành tái cơ cấu, thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Theo ông Tín, mỗi ngành đều có những phân khúc mà doanh nghiệp Việt có lợi thế so sánh, dù năng lực cạnh tranh chưa tốt. Ví dụ, có ngành, doanh nghiệp Việt không cạnh tranh được, nhưng có lợi thế trong phân khúc mà doanh nghiệp Trung Quốc không chọn, nên có thể khai thác để cung cấp cho thị trường quốc tế và cho cả thị trường Trung Quốc. Việc này tương tự như phân công lao động.

“Chúng tôi thực sự mong có thể cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường chính sách nhanh, quyết liệt như chống dịch. Cộng với hạ tầng tốt, doanh nghiệp có cơ hội giảm chi phí, nhanh chóng tận dụng lợi thế so sánh ngay trong bối cảnh các chuỗi giá trị đang sắp xếp lại”, ông Tín chia sẻ.

3.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, báo chí hãy nhìn vào nhu cầu sống khác mà doanh nghiệp Việt Nam đang dấy lên.

“Tôi luôn muốn nói đến giá trị đánh thức của dịch bênh, để thấy có cách sống trước nay là chưa ổn, phải sống khác. Nhiều người nghĩ vậy, nhưng doanh nghiệp lớn đã xác định sẽ không có sự nối lại chuỗi cũ, để dịch chuyển. Chúng ta phải thấy hình ảnh của người sẽ đứng lên mạnh mẽ khi kinh tế phục hồi, để truyền thông về những đề xuất, kiến nghị chính sách”, ông Thiên chia sẻ.

Ngay khi dịch bệnh diễn ra, khó khăn của doanh nghiệp lan rộng, quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp dàn hàng ngang hay chọn người có thể bứt phá, để họ sớm đứng dậy, kéo theo người khác đã trở thành nội dung tranh luận trên các diễn đàn báo chí.

Tất nhiên, giới hoạch định chính sách luôn khó khăn trong quyết định lựa chọn đối tượng hỗ trợ, khi tác động của dịch bệnh cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy điểm dừng. Thậm chí, sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn trong các giải pháp hỗ trợ luôn đối mặt với những đề nghị thận trọng. Hệ lụy là những bước chậm trễ trong các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng, ông chủ của những doanh nghiệp lớn, như ông Dũng, ông Tín, ông Hồng… đã có sự lựa chọn rõ ràng, đó là cần cơ chế, chính sách để không lỡ cơ hội tạo nên những chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt.

Quan trọng là, họ muốn lan rộng sự lựa chọn này, không chỉ tới nhiều doanh nghiệp mà tới khu vực quản lý nhà nước. Lý do đơn giản, doanh nghiệp buộc phải tích cực với những đòi hỏi thay đổi, vì đó là để tồn tại. Nhưng, sức ép thay đổi đối với doanh nhân và với các nhà quản lý khác nhau rất lớn.

Lúc này, giới kinh doanh trông vào vai trò cầu nối của báo chí, với những bài viết mang hơi thở thực tiễn, sống động và có trách nhiệm.

“Đi cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh cải cách”, ông Hồng tin tưởng.

[Infographic] Dấu ấn 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam
Từ khi ra đời đến nay báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành và phát triển cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư