Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Báo chí trước nạn “xâm thực” của kẻ ăn bám
Mạnh Bôn - 21/06/2013 16:00
 
Lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chắc chắn là một trong những sự kiện nổi bật nhất năm 2013. Bởi vậy, sáng 11/6/2013, tại Trung tâm báo chí phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội chưa bắt đầu ngày làm việc, phóng viên của các cơ quan báo chí được tham dự đưa tin đã có mặt đông đủ.
TIN LIÊN QUAN

Chạy đua với thời gian để gửi tin bài về tòa soạn sớm nhất có thể. Tới 9 giờ 2 phút, kết quả lấy phiếu tín nhiệm mới được báo điện tử Dantri đăng tải; 9 giờ 13 phút đến lượt VnExpress cập nhật; 9 giờ 31 phút, VTC News mới cập nhật thông tin này.

Trong khi đó, phải đến 10 giờ 1 phút, báo điện tử Petro Times mới tải đăng tải thông tin mà rất nhiều người dân muốn biết. Còn báo điện tử Thethaovanhoa, Tuoitre… phải đến 10 giờ 46 phút, 10 giờ 47 phút mới kịp thông tin đến độc giả.

Nhưng mọi nỗ lực của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và lãnh đạo của các cơ quan báo chí đổ sông đổ biển, bởi các trang thông tin điện tử tổng hợp (ĐTTH) đã update kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà chẳng cần bỏ công sức gì ngoài “copy and paste” từ một tờ báo điện tử công bố kết quả sớm nhất.

Cụ thể, trang Gafin cập nhật kết quả lấy phiếu tín nhiệm lúc 9 giờ 3 phút. Trước đó (8 giờ 56 phút), Vietstock đã đăng kết quả gần như cùng lúc với tờ báo điện tử đưa thông tin sớm nhất. Điều đáng nói là, Gafin ghi lấy lại từ nguồn Vneconomy và Chinhphu.vn, trong khi 2 tờ báo điện tử này cập nhật kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào lúc 9 giờ 12 phút và 10 giờ 27 phút, tức là sau 9 phút và 84 phút so với Gafin.

Không bàn tới câu chuyện tiểu xảo của các trang mạng này khi cố tình nhập giờ xuất bản sớm hơn để được xếp loại tin độc, tin hot…, việc các trang thông tin ĐTTH quá sốt sắng trong việc đưa tin tới độc giả, mặc dù đây không phải là trách nhiệm của họ vì lẽ gì là không khó đoán. Đó chính là để câu độc giả truy cập qua đó tăng lượng quảng cáo, tăng doanh thu và thu nhập khiến “nồi cơm” của nhiều cơ quan báo chí bị đe dọa nghiêm trọng.

Tình trạng các trang thông tin ĐTTH ăn cắp thông tin của báo chí là một trong những nội dung được lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí lên án gay gắt tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 được tổ chức hồi trung tuần tháng 3 năm nay.

Tại Hội nghị này, Tổng Biên tập Báo Dân trí, nhà báo Phạm Huy Hoàn cho rằng, việc “đạo báo” ngày càng lan rộng đến mức công khai, các trang thông tin ĐTTH (cả nước hiện có 1.200 trang thông tin ĐTTH) coi chuyện sống trên lưng các cơ quan báo chí như là… lẽ đương nhiên. Ông Hoàn đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải tăng cường công tác kiểm tra ngay những sai phạm để ngăn chặn tình trạng đạo báo tùy tiện của một số báo điện tử và hầu hết trang thông tin ĐTTH.

Tuy nhiên, từ thực tế thông tin về lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngày 11/6 vừa qua có thể thấy, tình trạng đạo báo, sống ký sinh của các trang thông tin ĐTTH không hề giảm, thậm chí ngày càng gia tăng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng Internet, báo chí thế giới đặc biệt là báo chí Mỹ và châu Âu đã tìm ra hướng đi mới để tồn tại là điện tử hóa báo in. Theo đó, muốn đọc báo điện tử, độc giả phải trả một khoản tiền thuê bao hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Hiện ở Mỹ có 300 tờ báo thu phí đọc báo điện tử, nhưng lượng độc giả ngày càng gia tăng mạnh và hiện chiếm 20% tổng doanh thu phát hành, thay vì 14,2% cùng kỳ năm 2012. Những tờ báo lớn của Mỹ như The Wall Street Journal, New York Times, USA Today… giảm mạnh lượng phát hành báo in, nhưng bù lại, doanh thu phát hành vẫn tăng, do số thuê bao đọc báo điện tử tăng mạnh. Nhờ đó, nhiều cơ quan báo chí, hãng thông tấn phương Tây nói chung, báo chí Mỹ nói riêng đã vượt qua được khó khăn về tài chính và đang ngày càng lớn mạnh.

Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo in cũng đang điện tử hóa rầm rộ thông qua việc thiết lập trang trang thông tin điện tử, hoặc phiên bản online, nhưng chưa một tờ báo nào bán được thuê bao đọc báo điện tử cho độc giả, vì tình trạng ăn cắp tin bài của các trang thông tin ĐTTH.

Đây cũng là bởi nạn ăn cắp bản quyền chưa được xử lý nghiêm khắc. Vì thế, khó mà buộc độc giả bỏ tiền khi chỉ cần vào bất cứ trang thông tin ĐTTH nào đó là có thể đọc miễn phí hầu như tất cả những vấn đề cần quan tâm do trang thông tin ĐTTH đã nhanh chân cướp lại các nội dung hay từ các báo điện tử, hoặc trang thông tin điện tử của báo in đưa lên.

Báo chí Việt Nam không chỉ đứng trước sự khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế suy giảm khiến hoạt động quảng cáo và phát hành giảm mạnh, mà còn đứng trước sự khó khăn trước nạn “xâm thực” của các trang thông tin tổng hợp. Ngoài việc lên án cũng như phải hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại nạn “xâm thực” ngày một công khai, trắng trợn của trang thông tin ĐTTH của các cơ quan báo chí, rất cần thiết một quy định cụ thể để ngăn chặn nạn xâm thực này từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như cơ quan chức năng. Có vậy mới trả lại sự cạnh tranh công bằng cho báo chí trong hoạt động nghề nghiệp và sống được bởi nghề báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư