Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Báo chí và những lời tâm huyết từ người kinh doanh
Khánh An - 21/06/2018 10:34
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân xuất hiện trên báo chí trong vai phản biện chính sách, để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ kiến tạo, để cùng lát thêm những viên gạch trên con đường đi lên của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

1.

“Tôi muốn gửi kiến nghị về chính sách phát triển nông nghiệp tới Thủ tướng Chính phủ”, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần 159 Hòa Bình viết trong câu mở đầu bức thư gửi Báo Đầu tư. Ông đã viết những dòng này ngay sau khi đọc được tin ngày 25-25/6 tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Kiến nghị của ông Thắng gói gọn trong khoảng 300 từ, đi thẳng vào tâm tư lâu nay của ông và những nhà đầu tư đang dồn tâm sức, nguồn lực vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rất muốn sự có mặt của báo chí trong các diễn đàn, các cuộc thảo luận, đề xuất chính sách
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rất muốn sự có mặt của báo chí trong các diễn đàn, các cuộc thảo luận, đề xuất chính sách

“Điều cần nhất hiện nay cho đầu tư và phát triển nông nghiệp là một khung khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Nói cách khác, là phải có một bộ luật riêng dành cho đầu tư và phát triển nông nghiệp, không để việc đầu tư và phát triển nông nghiệp bị nhiều bộ luật khác chi phối, điều chỉnh, chồng chéo. Câu chuyện con gà hay quả trứng có trước cần phải chấm dứt”, ông Hà Văn Thắng viết.

Cho tới thời điểm này, dù đã có khá nhiều cuộc làm việc tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, nhưng các quy định về đánh giá tác động môi trường, quy định về lập quy hoạch chi tiết, thủ tục cấp phép xây dựng... trong các Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng... dường như không tính hết những đặc thù các dự án nông nghiệp, khiến việc thực thi nhiều thủ tục trở nên vô lý, gây khó khăn, rủi ro cho nhà đầu tư vào nông nghiệp. 

Không ít trường hợp doanh nghiệp bị thổi còi vì tuân thủ quy định của luật này, nhưng lại không đúng quy định của luật khác... 

Đây không phải lần đầu tiên, ông Thắng nhắc tới vấn đề này, cũng không phải lần đầu tiên, ông gửi kiến nghị tới Báo Đầu tư. Cách đây đúng 1 năm, trước thềm cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cuối tháng 5/2017, ông đã gửi kiến nghị về những vô lý trong quy định phải lập quy hoạch 1/500, về xin giấy phép xây dựng trong khu đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng trọt cho các dự án của Công ty tại Hòa Bình, khiến dự án của Công ty 2 năm không hoàn tất được các thủ tục... 

Nhưng lần này, kiến nghị của ông không chỉ nói cho các dự án của Công ty.

“Gần 70% dân số Việt Nam đang làm nông nghiệp, liên quan đến nông nghiệp, có quyền được đòi hỏi có một bộ luật riêng cho việc đầu tư và phát triển nông nghiệp”, ông Thắng viết câu cuối cùng trong kiến nghị mà ông rất mong Báo Đầu tư sẽ đăng tải, góp thêm một kiến nghị gửi tới người đứng đầu Chính phủ.

2.

Hầu như không có sự bất thuận nào với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ hiện tại, nhất là khi người đứng đầu Chính phủ kiên định với mục tiêu đầy tham vọng, cũng có nghĩa là đầy áp lực, là gia nhập Top 4 ASEAN về sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh. 

Không ít doanh nhân cũng thừa nhận, mục tiêu này buộc họ phải cạnh tranh khốc liệt hơn, phải vất vả hơn rất nhiều để tìm kiếm cơ hội và lợi nhuận khi các rào cản doanh được gỡ bỏ, rộng đường cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Nhưng đáng nói là, quan điểm chơi cùng sân chơi, luật chơi với các doanh nghiệp quốc tế là cách hữu hiệu nhất để doanh nghiệp Việt lớn nhanh và bền vững đã trở thành nguyên tắc không bàn cãi.

Song, mối băn khoăn của nhiều doanh nghiệp start-up Việt lại ở một khía cạnh khác. Đó là sự cạnh tranh giữa chính sách dành cho doanh nghiệp ở Việt Nam và các quy định tương tự ở các thị trường khác.

Sáng lập viên một start-up Việt đã quyết định thành lập công ty ở Mỹ, thay vì kế hoạch ban đầu là tại Việt Nam. Trong bức thư gửi Báo Đầu tư với mong muốn lý giải sự lựa chọn này của mình và nhiều khởi nghiệp trẻ khác, lý do được nhắc tới là cơ chế chưa thuận cho sự khởi đầu một doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn rất bấp bênh trong giai đoạn đầu dù tương lai được nhìn thấy là khả quan.

“Nếu thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi chỉ có hai cách để gọi vốn. Một là, nhận góp vốn từ cổ đông. Hai là,vay tiền ngân hàng và trả lãi bằng tiền. Trong khi đó, thành lập ở Singapore hay ở Mỹ, chúng tôi có hàng chục cách gây vốn, cơ hội để phát triển rộng hơn rất nhiều”, start-up viết trong thư.

Khó khăn cũng hiển hiện với các quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt khi tìm kiếm cơ hội tại các start-up ở nước ngoài. Nguyên do là dù được pháp luật ghi nhận sau một thời gian khá dài cân nhắc, nhưng thủ tục liên quan đến chuyển tiền ra nước ngoài dường như chưa ủng hộ mô hình kinh doanh mới này. Không ít trường hợp sau khi hoàn tất thủ tục chuyển tiền thì cơ hội trở thành cổ đông của start-up hấp dẫn trên thị trường cũng trôi theo...

“Các quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt cần thêm cơ chế tạo thuận lợi cho việc sinh lời của quỹ thay vì những trọng trách quá nặng mà các quỹ đang phải gánh. Chỉ có vậy, các quỹ mới có thể phát triển đúng như tiềm năng của thị trường này”, bức thư viết với những phân tích đầy tâm huyết.

Nhưng, đáng tiếc là người viết những dòng chữ này muốn giấu danh tính vì những băn khoăn chưa được giải tỏa hết trong các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công chức.

3.

Không phải ngẫu nhiên, ông Thắng và các thành viên Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) đề cập một bộ luật dành riêng cho đầu tư vào nông nghiệp vào thời điểm này, dù ông thừa hiểu rằng, rất khó có một bộ luật như vậy.

“Ngay khi ý kiến của tôi được đăng tải, nhiều người đã phản biện rằng, luật nhiều quá rồi, chồng chéo quá rồi. Nhưng đó lại chính là vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ và lên tiếng. Chúng tôi không thể làm ăn nếu động đến bởi ngành nào cũng có lý lẽ riêng, nên phải xin ý kiến. Nhưng khi thủ tục bị chậm trễ hay khó khăn, thì doanh nghiệp không biết dựa vào cơ quan nào”, ông Thắng nói. 

Hàm ý quan trọng hơn trong kiến nghị này, theo chia sẻ của ông Thắng, là chuyển mong muốn về trách nhiệm trong thực thi tới từng công chức, từng doanh nghiệp khi những quy định còn chưa thực sự rõ ràng hay đang trong quá trình hoàn thiện. 

Thực tế cho thấy, cùng một vướng mắc, nhưng có nơi doanh nghiệp được hỗ trợ nên thực hiện thuận lợi, có nơi không thể làm ăn gì được do cách hành xử cứng nhắc từ các cơ quan có liên quan... Thậm chí, ở cùng một địa phương, trong cùng một vấn đề, cách giải quyết với các doanh nghiệp khác nhau có thể sẽ không giống nhau...

Trở lại những kiến nghị của ông Thắng cách đây 1 năm, cho dù đã nhận được văn bản đồng ý của Bộ Xây dựng về kiến nghị bỏ bước thủ tục lập quy hoạch 1/500 với khu chăn nuôi, trồng trọt cho dự án của Công ty 159 Hòa Bình, nhưng văn bản này không đồng nghĩa mọi khó khăn trước đó được giải tỏa. 

“Không dễ thay đổi ngay những chính sách liên quan đến đất đai, xây dựng vì nó liên quan đến hệ thống tầng lớp các văn bản. Nhưng chúng tôi vui vì sau khi kiến nghị được gửi tới các cơ quan trung ương, được đăng tải trên Báo Đầu tư, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương trong giải thích và tư vấn chính sách. Họ cùng chia sẻ các vướng mắc, khó khăn của chúng tôi trong các bước thực hiện dự án. Mối quan hệ này trước đó chưa có”, ông Thắng nói.

Tên mối quan hệ này đã được gọi lên: Đó là quan hệ thân thiện, đồng hướng thay vì xin - cho, cầu cạnh trước đó. Trong mối quan hệ mới, doanh nghiệp không thể chỉ biết kêu ca, than phiền, trách móc, thay vào đó là nỗ lực tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Cả hai bên (doanh nghiệp và cơ quan hoạch định, thực thi chính sách) đều tìm kiếm được nhiều lợi ích... 

“Đây là lý do mà chúng tôi rất muốn sự có mặt của báo chí trong các cuộc thảo luận, đề xuất chính sách. Khi các đề xuất, kiến nghị chính sách được công khai trên báo chí, sẽ có nhiều người cùng suy nghĩ, đánh giá, cân nhắc lợi ích chung. Điều đáng nói là việc kiểm soát các lợi ích nhóm hay những động cơ không minh bạch sẽ được thực hiện, phát hiện kịp thời”, ông Hà Văn Thắng lý giải.

7 chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 6/2018
Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP; Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù... là những chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư