Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Bảo hiểm tăng tốc bán lẻ qua mạng
Chí Tín - 09/08/2013 10:08
 
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đẩy mạnh đầu tư, tăng tốc trong mảng bán lẻ trực tuyến.

Mới đây, Bảo hiểm PVI đã triển khai kênh bán hàng trực tuyến. Thời gian đầu, sản phẩm trực tuyến của Bảo hiểm PVI gồm: bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm du lịch trong nước, bảo hiểm du lịch quốc tế và bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự ô tô, xe máy.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm coi bán hàng trực tuyến như một công cụ hữu hiệu trong việc khai thác thị trường bán lẻ

Đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô, trên cơ sở thông tin đăng ký trực tuyến của khách hàng, nhân viên của Bảo hiểm PVI sẽ chủ động liên hệ và tư vấn trực tiếp.

Ông Phạm Đình Trọng, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, nên việc khai thác kênh bán lẻ bảo hiểm qua mạng chứng tỏ sự chuyển mình của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tại các nước phát triển, như Mỹ, Anh, Canada hay Australia, hiện có tới 80% giao dịch bảo hiểm được thực hiện qua mạng Internet, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chưa tới 1%. Thực tế này cho thấy, tiềm năng khai thác kênh bảo hiểm trực tuyến ở Việt Nam còn rất lớn.

Không chỉ PVI, mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã coi bán hàng trực tuyến như một công cụ hữu hiệu trong việc khai thác thị trường bán lẻ.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã giới thiệu website bán hàng trực tuyến với những thông tin về các sản phẩm bảo hiểm, tổng đài chăm sóc khách hàng, tư vấn bảo hiểm…

Tuy nhiên, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) mới chính là doanh nghiệp bảo hiểm tấn công sớm nhất vào kênh bán hàng trực tuyến. Ngay từ năm 2011, BIC đã có website bán hàng trực tuyến và đã đầu tư mạnh cho hệ thống công nghệ thông tin, nhằm khai thác sự hỗ trợ của công nghệ vào hoạt động bán hàng.

Không chịu kém cạnh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ.

Hiện tại, PTI có thế mạnh trong việc khai thác mạng lưới của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Bản thân PTI hiện có 29 đơn vị kinh doanh và 80 phòng giao dịch trên toàn quốc. Mới đây, PTI đã ra mắt Trung tâm Bồi thường bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại Hà Nội. Đại diện PTI cho biết, PTI có thế mạnh về sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm toàn diện học sinh... và đây sẽ là những sản phẩm bán lẻ trọng yếu được PTI tập trung phát triển trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) lại tỏ ra có thế mạnh vượt trội về hệ thống các đầu mối trong chiến dịch lấn sân sang thị trường bán lẻ. PJICO hiện có tới 54 công ty thành viên, hơn 4.000 đại lý và có sự cộng tác đắc lực của hơn 2.200 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, các doanh nghiệp bảo hiểm nhắm đến thị trường bán lẻ là một định hướng đúng, song họ cần có chiến lược đầu tư dài hạn.

Ông Ian Cheng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn (Công ty Ernst & Young Hồng Kông) cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc, nên phải định hình rõ đâu là mục tiêu cần được ưu tiên. “Khi xác định mục tiêu là chiếm lĩnh thị phần, có thể doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong một thời gian nhất định”, ông Ian Cheng nói.

Theo đại diện của PTI, trong thời gian tới, PTI sẽ chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, nhằm rà soát lại quy trình hoạt động, chú trọng vào việc hoàn thiện chất lượng phục vụ khách hàng và coi đây là lợi thế cạnh tranh trong định hướng trở thành doanh nghiệp bảo hiểm bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư