Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảo hiểm y tế: Thừa tiền không biết chỗ tiêu
Hàn Tín - 13/09/2013 12:22
 
Trong khi Bảo hiểm xã hội đang đứng trước khả năng “vỡ trận”, thì Bảo hiểm y tế lại không biết tiêu tiền ra sao, vì kết dư ngày càng lớn. Có thể tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016

Theo Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 vừa được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội công bố, nếu như năm 2009, Quỹ Bảo hiểm y tế “thâm thủng” 3.083 tỷ đồng, thì chỉ một năm sau đã có kết dư 2.810 tỷ đồng và tính đến cuối năm 2012, tổng số tiền kết dư đã lên tới 12.892 tỷ đồng.

Số tiền kết dư, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, là do “đầu vào” tăng mạnh, trong khi “đầu ra” (chủ yếu chi khám chữa bệnh cho người dân) vẫn… nhỏ giọt.

Điều đáng nói là, tiền tăng thu lại chủ yếu đến từ việc tăng mức đóng góp của người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc từ 3% lên 4,5% lương cơ bản; do tăng lương tối thiểu và do ngân sách nhà nước bỏ tiền mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi…

“Giai đoạn 2009 - 2012, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 70% số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 42% tổng số thu của Quỹ Bảo hiểm y tế. Số tiền ngân sách nhà nước ‘nộp’ cho Quỹ bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 4.537 tỷ đồng năm 2009 lên 10.732 tỷ đồng năm 2010 và 16.937 tỷ đồng vào năm 2012. Trong khi đó, trong giai đoạn này, doanh nghiệp, người lao động, cán bộ, công chức làm việc trong khu vực nhà nước và đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chỉ đóng khoảng 52.540 tỷ đồng, chiếm 49% tổng số thu bảo hiểm y tế, nhưng về tỷ lệ đóng góp trong tổng thu lại ngày càng giảm, từ mức 55% năm 2009 còn 49% năm 2010 và 46% năm 2012”, bà Mai cho biết.

Điều đáng nói nữa, theo bà Mai, Quỹ Bảo hiểm y tế kết dư còn do tình trạng quản lý kém. Cụ thể, tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế ở các đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, tình trạng một cá nhân nhận được 4 - 5 thẻ bảo hiểm y tế không phải là cá biệt.

Trong giai đoạn 2009 - 2012, các cơ quan chức năng phát hiện trên 700.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng. Còn năm 2013, mới chỉ thực hiện kiểm toán tại 8 tỉnh, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện trên 332.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo bị trùng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 114 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, một nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn đang bị sử dụng không hiệu quả.

“Số kết dư lớn là vấn đề đáng quan tâm, bởi đây là loại quỹ ngắn hạn, chỉ giới hạn đóng và sử dụng trong năm. Do là quỹ ngắn hạn, nên nhiều nước trên thế giới quy định, khi kết dư tăng thì cũng tăng mức chi phí khám chữa bệnh cho người dân, hoặc giảm mức đóng góp cho người tham giam, hoặc nộp một phần kết dư này vào ngân sách nhà nước”, bà Mai cho biết.

Lấy ví dụ cụ thể từ vụ việc “nhân bản” giấy xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức và làm giấy tờ giả ở Trạm y tế thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để “rút ruột” Quỹ bảo hiểm y tế, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu quản lý nghiêm, giảm thất thoát, thì số tiền kết dư còn lớn hơn rất nhiều.

“Quỹ Bảo hiểm y tế thì kết dư, trong khi bất cứ người dân nào cầm thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh cũng đều phàn nàn về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cơ sở vật chất của hệ thống y tế và tình trạng phân biệt đối xử của nhân viên y tế với người khám dịch vụ và người khám bảo hiểm y tế. Vậy thì kết dư để làm gì?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết dư là việc rất nhiều người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc (người lao động trong doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức…) không dám khám theo thẻ bảo hiểm y tế khi có nhu cầu khám chữa bệnh, vì chất lượng khám chữa bệnh quá kém.

“Nghịch lý là, Quỹ Bảo hiểm y tế kết dư tới gần 13.000 tỷ đồng, trong khi sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân không được bảo đảm”, ông Lý trăn trở.

Nâng tuổi hưu chỉ là giải pháp cần
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Đỗ Thị Xuân Phương cho biết, theo dự tính, đến năm 2024, quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối, do quá chênh lệch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư