Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bảo vệ môi trường không là việc của riêng doanh nghiệp
Hải Hà - 12/04/2013 07:12
 
Để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường, nhất thiết cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, thông qua giáo dục và cả chế tài xử phạt thích đáng mọi hành vi vi phạm.
TIN LIÊN QUAN

Hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được vinh danh trong lễ trao giải CSR (thực hiện trách nhiệm xã hội) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Giải Nhất được trao cho Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam. Các giải Nhì lần lượt thuộc về Công ty TNHH Intel Product Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Công ty cổ phần Dược phẩm Danapha và Công ty TNHH Indochina Resort được trao giải Ba.

Việc VCCI tổ chức giải thưởng đã giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, từng bước chấp hành tốt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Nhìn xa hơn, việc vinh danh thường xuyên các doanh nghiệp thực hiện tốt CSR sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược Về biến đổi khí hậu đến năm 2050, tầm nhìn đến 2100.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ bình chọn giải CSR năm nay vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ quá thấp (50 trên tổng số hơn 375.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước).

Giải thích hiện tượng trên, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận một thực tế đáng buồn là, có đến 80% các khu công nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang và sẽ tổ chức nhiều đoàn thanh tra đi khắp các địa phương, lập danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, có khả năng bị đóng cửa, trong đó sẽ đặc biệt chú ý đến các điểm nóng về môi trường hiện nay, như sông Thị Vải, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy...”, ông Hà nói.

Chia sẻ quan điểm trên, GS - TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về phát triển bền vững thuộc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển khẳng định, để cải thiện tình hình, cần có sự vào cuộc thực sự của các cấp lãnh đạo địa phương.

Ông Ninh nêu dẫn chứng, gần đây, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho kinh tế địa phương cũng như các doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Hiện các ngân hàng đã thực hiện nghiêm yêu cầu này.

Việc ngăn chặn nguồn xả thải gây ô nhiễm không còn là chuyện riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà đã là vấn đề được các bộ, ngành khác quan tâm vào cuộc.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) khởi động “Dự án Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy” (VIMP). Trong đó, một trong những yêu cầu là toàn bộ khu công nghiệp chỉ có một đầu xả thải cho trạm xử lý nước thải (trừ khi đơn vị thuê đất đã có một đầu xả thải khác được cấp phép trước đó).

Điều này đã thể hiện rõ cam kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy các khu công nghiệp phải thực hiện mạnh mẽ hơn việc xử lý các chất thải rắn, nước thải…

Để tăng các biện pháp xử lý mạnh tay đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Dự thảo mới đề xuất mức xử phạt tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm. Các mức phạt này đều cao hơn rất nhiều so với mức phạt tối đa đang được áp dụng là 500 triệu đồng.

Nếu được Chính phủ phê duyệt, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và thay thế cho Nghị định số 117/2009/NĐ-CP năm 2009.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư