Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Cơ hội vàng để sở hữu ngân hàng 100% vốn ngoại
Hà Tâm - 12/04/2025 08:27
 
Suốt 8 năm qua, không có thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài nào được thành lập tại Việt Nam. Do vậy, giấy phép ngân hàng 100% vốn ngoại là cơ hội vàng cho nhà đầu tư.
Sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới như MBV, Vikki Bank, VCBNeo… đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Trong ảnh: Giao dịch tín dụng tại Ngân hàng MBV.  Ảnh: Đức Thanh

Giấy phép ngân hàng ngày càng đắt giá

Cánh cửa thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam ngày càng hẹp. Tờ giấy phép mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là năm 2017 (cấp cho Ngân hàng United Overseas Bank - UOB). Việc đặt chi nhánh tại Việt Nam của ngân hàng ngoại cũng không dễ dàng. Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp mới nhất là năm 2021 (Kasikorn Bank).

Được biết, một số ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam đang đề nghị được cấp phép thành lập chi nhánh và chuyển đổi thành pháp nhân địa phương, song đến nay vẫn chưa có thêm tờ giấy phép mới nào được cấp.

Theo ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích VPBanks, khả năng được cấp đầy đủ giấy phép cho ngân hàng nước ngoài sẽ khó xảy ra trong tương lai gần.

Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn ngoại và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Thực tế, không chỉ ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mà ngân hàng nội địa suốt 17 năm qua cũng không có thêm tờ giấy phép mới nào được cấp. Ngân hàng thương mại cổ phần nội địa được cấp phép mới nhất là năm 2018 (BAOVIET Bank).

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới - tái định vị thương hiệu từ các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, gồm MBV, Vikki Bank, VCBNeo - đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, room vốn ngoại tại một ngân hàng nội địa là 30%. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích VPBanks cho rằng, các ngân hàng số thế hệ mới thì không bị giới hạn sở hữu vốn ngoại, vì được thành lập dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Điều này cho phép nhà đầu tư ngoại có thể mua 100% vốn các ngân hàng số thế hệ mới nói trên mà không cần sửa luật.

Nói cách khác, việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém thời gian qua cùng với việc thay đổi hình thức hoạt động của các ngân hàng này sang ngân hàng số mở ra cơ hội hiếm hoi cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng.

“Chúng tôi cho rằng, có một ‘cam kết ngầm’ là NHNN sẽ không cấp thêm giấy phép ngân hàng số thuần túy trong tương lai gần nhằm duy trì giá trị cao cho nhóm ngân hàng số thế hệ mới này”, chuyên gia phân tích VPBanks phán đoán.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ngân hàng THHH một thành viên có nghĩa là ngân hàng “con” này chỉ có một chủ sở hữu và được phép bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, không bị khống chế bởi “room” sở hữu 30%.

Thị trường ngân hàng Việt còn nhiều dư địa

Thị trường ngân hàng Việt Nam từng chứng kiến nhiều “làn sóng” đầu tư của ngân hàng ngoại. Làn sóng thứ nhất diễn ra trước năm 2012, khi quy định Basel về khoản đầu tư thiểu số còn chưa nghiêm ngặt và số lượng tổ chức tài chính sẵn sàng xem xét các khoản đầu tư chiến lược nhiều hơn. Trong giai đoạn này, các ngân hàng mục tiêu tại Việt Nam chủ yếu được lựa chọn dựa trên tiềm năng tăng trưởng, nhờ đó nhiều ngân hàng nhỏ vẫn có thể thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Làn sóng thứ hai diễn ra từ năm 2012, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự lựa chọn của nhà đầu tư ngoại trong giai đoạn này là các ngân hàng lớn. Đây cũng là giai đoạn Vietombank, VietinBank và BIDV thu hút thành công nhà đầu tư chiến lược mới.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn quan tâm thị trường ngân hàng Việt Nam, song còn băn khoăn về quy định tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tối đa 30%.

Ông Đỗ Minh, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho biết, các nhà đầu tư ngoại vẫn mong Việt Nam nới thêm trần sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Theo ông Minh, trần sở hữu vốn ngoại 30% ở Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ (74%), Indonesia (99%)...

“Nếu nâng tỷ lệ này lên 50%, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam sẽ có bước ngoặt lớn trong thu hút vốn ngoại”, ông Minh cho biết.

Thống kê từ VDSC cho thấy, tính đến ngày 13/3/2025, có 13 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại. Như vậy, dư địa cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới tham gia hệ thống ngân hàng Việt Nam là khá hạn chế.

Tuy vậy, hoạt động M&A ngân hàng thời gian tới có thể sôi động hơn, nhà đầu tư ngoại sẽ có cơ hội nhiều hơn với các ngân hàng số hậu chuyển giao bắt buộc. Bên cạnh đó, cơ hội với nhà đầu tư ngoại cũng sẽ mở rộng hơn, khi một số ngân hàng nội được nới room ngoại (theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP  sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam).

Thêm một ngân hàng 100% vốn ngoại sắp khai trương tại Việt Nam
UOB Việt Nam - ngân hàng 100% vốn Singapore - sẽ chính thức khai trương hoạt động tại Việt Nam từ 2/7 tới. UOB Việt Nam cũng là ngân hàng 100% vốn nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư