Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Room ngoại được nới, nhiều nhà băng tìm cổ đông chiến lược nước ngoài
Thùy Vinh - 08/04/2025 08:33
 
Các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng khác được nới room ngoại từ 30% lên 49% và room ngoại tại một số ngân hàng được nới... là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

MB, HDBank, VPBank được nới room lên 49% kể từ ngày 19/5 tới

Theo Nghị định 69/2025 vừa được Chính phủ ban hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.

Theo đó, kể từ ngày 19/5, MB, HDBank, VPBank sẽ được nới room ngoại lên 49% sau khi nhận chuyển giao bắt buộc theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm NHTM do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ. 

Đây được xem là cơ hội cho không chỉ nhà đầu tư ngoại khi muốn tham gia vào các nhà bằng này mà 3 ngân hàng trên có thêm điều kiện hút vốn ngoại, tăng năng lực tài chính. Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trù chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến ngày 20/3/2025, nhà đầu tư ngoại nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu của MB, tương đương 23,24%.

Room ngoại được nới, nhiều nhà băng tìm cổ đông chiến lược nước ngoài

Hiện MB chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngân hàng này từng cho biết trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, MB có đặt ra một số mục đích, thứ nhất là có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ, bí quyết phát triển kinh doanh và quản trị ngân hàng tiên tiến, đặc biệt là những lĩnh vực mà MB cảm thấy chưa mạnh.

Đồng thời, MB tận dụng kinh nghiệm, hiểu biết mạng lưới, cơ sở khách hàng của đối tác để phát triển các thị trường mới; ổn định cổ đông, đảm bảo tính đồng thuận và nhất quán trong phát triển kinh doanh, triển khai chiến lược. Để đáp ứng các mục tiêu trên MB đã đặt ra các tiêu chí như dành ưu tiên cho các đối tác có năng lực tài chính tốt, đồng thuận về mục tiêu và triển khai chiến lược phù hợp với văn hóa và có cam kết cao với MB, tránh các xung đột về quyền lợi nhằm đảm bảo sự hợp tác chiến lược lâu dài ổn định cùng phát triển.

Tại HDBank,  Ngân hàng đã chủ động tạm khóa room ngoại từ mức 20% xuống còn 17,5%. Tính đến 20/3, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 603,8 triệu chứng khoán của HDBank, tương ứng với tỷ lệ 17,2%. Đồng thời, HDBank cũng chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

HDBank cũng là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngân hàng có hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao và liên tục trong hành trình 10 năm đổi mới, cùng dư địa phát triển còn nhiều, đặc biệt ở các mảng ngân hàng số, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, chứng khoán, ngân hàng nông thôn…

Tại kỳ ĐHĐCĐ năm 2024, đại diện các quỹ đầu tư quốc tế hài lòng với kết quả đầu tư đạt được cùng ngân hàng trong nhiều năm qua và tin tưởng triển vọng tăng trưởng cao và bền vững của HDBank, tiếp tục đồng hành ngân hàng triển khai hiệu quả các chương trình chiến lược, mang lại giá trị tốt nhất cho cổ đông, khách hàng và cộng đồng.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 1,97 tỷ chứng khoán tại VPBank, tương đương tỷ lệ 24,86%. Như vậy, room ngoại của nhà băng này vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, sau thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC vào năm 2023 mang về 1,5 tỷ USD, VPBank hiện đang xếp thứ 4 trong top 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống, lên tới 147,2 tỷ đồng và chỉ sau Vietcombank, VietinBank và Techcombank (tính đến cuối năm 2024). Với bộ đệm vốn dày như vậy, giới phân tích cho rằng, khả năng cao VPBank sẽ không nâng trần sở hữu nước ngoài hay huy động vốn mới trong ngắn hạn.

Trước đó, trong vòng 3 tháng cuối năm 2024 và đầu 2025, NHNN đã hoàn tất chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém (CB chuyển giao về Vietcombank, Oceanbank chuyển giao về MB, DongA Bank chuyển giao về HDBank, GPBank chuyển giao về VPBank). Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, room tín dụng để mở rộng quy mô tài sản, dư nợ nhằm tạo động lực để các nhà băng này quyết liệt tham gia tái cấu trúc thành công các tổ chức tín dụng yếu kém. Đặc biệt là room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NHTM nhận chuyển giao bắt buộc: MB, HDBank, VPBank được nới lên 49%.

Nhiều ngân hàng còn tỷ lệ room ngoại cao, đang tìm cổ đông nước ngoài

Nhưng không chỉ với các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng khác mới có cơ hội gọi vốn ngoại khi room được nới lên 49% mà gần đây một số nhà băng chia tay cổ đông chiến lược nước ngoài nên hiện còn "hở" room ngoại và đang có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 27/3 vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, hiện room ngoại tại VIB trống 25% và ngân hàng đang tìm đối tác ngoại sau khi chia tay ổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) trong quý I/2025. 

Theo ông Vỹ, về cổ đông chiến lược CBA, VIB đã có được một cổ đông rất tốn và huy động được nguồn lực hiệu quả. Ngược lại, cổ đông chiến lược nước ngoài CBA cũng đã thu được hiệu quả từ khoản đầu tư vào VIB. CBA đầu tư vào VIB từ năm 2010, với khoản vốn ban đầu 75 triệu USD, nhưng khi thoái vốn đã thu về (tính cả cổ tức) gần khoảng 500 triệu USD, theo chia sẻ của Chủ tịch VIB.

Ông Vỹ cũng cho hay, sau khi CBA thoái vốn,VIB đang trong quá trình tìm hiểu các đối tác nước ngoài để có thể chọn được nhà đầu tư đem lại được hiệu quả cho ngân hàng cũng như mang lại lợi ích tốt cho cổ đông. Sau khi hoàn thành, HĐQT ngân hàng sẽ trình xin ý kiến cổ đông.

CBA bắt đầu rót vốn vào VIB kể từ năm 2010 với tỷ lệ góp ban đầu là 15% và nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% một năm sau đó. Cổ đông chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển đổi chiến lược của VIB từ ngân hàng chuyên về doanh nghiệp trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp. 

Trước đó, trong thông cáo phát đi vào tháng 9/2024 sau lần bán ra cổ phiếu đầu tiên của CBA (bán gần 5% vốn của VIB), tổ chức này cho biết việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Tổng số tiền mà CBA dự kiến thu về ở lần này là khoảng 160 triệu USD (gần 2.700 tỷ đồng thời điểm đó). 

Tiếp theo, tháng 10/2024, CBA xác nhận đã bán ra 300 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 29/10, thu về khoảng 5.400 tỷ đồng và bán ra gần 150 triệu cổ phiếu trong phiên 24/9, ước thu về là khoảng 160 triệu AUD (khoảng 2.700 tỷ đồng). Và mới đây nhất trong tháng 3/2025, CBA đã bán ra hơn 120 triệu cổ phiếu VIB, ước thu về gần 2.600 tỷ đồng.

Theo cập nhật mới nhất của VIB về cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần của ngân hàng đến ngày 17/03/2025, Pyn Elite Fund đang sở hữu hơn 57,65 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ 1.94%. Theo số liệu từ VSD, tính đến ngày 20/3, room ngoại tại VIB là 4,99%. Đây cũng là một trong những nhà băng còn nhiều room ngoại tại ngân hàng Việt.

Hiện mức trần room ngoại đối với các ngân hàng tại Việt Nam là 30%. Số liệu từ VSD, tính đến ngày 20/3/2025, 12/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, có nhiều ngân hàng đã kín room ngoại như: Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%); VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%).

Trong đó, với Techcombank, Chủ tịch Hồ Hùng Anh từng cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái về vấn đề về room ngoại và cổ đông nước ngoài, hiện room ngoại của Techcombank là hơn 22%, tỷ lệ này cho phép ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.

Techcombank cũng đến xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông nên nhà băng này đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 

Trên thị trường niện nay vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí còn nguyên room ngoại như Bac A Bank (0%), Nam A Bank (1,62%), BaoViet Bank (0,09%), KienLong Bank (1,1%), VietA Bank (0,23%), Vietbank (0,01%)… và các ngân hàng đã khóa room ngoại ở mức rất thấp để chờ đối tác chiến lược gồm: LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%) hay VIB (4,99%).

Room ngoại tại Sacombank hiện là bao nhiêu?
Sacombank vừa có văn bản gửi UBCKNN, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và HOSE liên quan đến tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư