Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bất chấp đà sụt giảm của giá vàng quốc tế, vàng SJC “vững” mốc 67 triệu đồng/lượng
Phạm Anh - 28/05/2023 17:24
 
Trước sức ép của giá vàng thế giới đã khiến giá vàng trong nước quay đầu sụt giảm trong tuần này.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,35 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với tuần trước, giá vàng đã có sự chênh lệch chiều mua vào và bán ra đều giảm 200 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước nhưng đã giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cùng thời điểm phiên trước; đồng thời giảm 200 nghìn ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước

Tại TP.HCM, giá vàng DOJI đang được niêm yết ở 66,65 - 67,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở giá mua, trong khi tăng 50.000 đồng/lượng ở giá bán so với cuối phiên trước; còn so với cùng thời điểm phiên trước, giá mua hiện đã thấp hơn 100.000 đồng. So với tuần trước thì giảm đều 150.000 đồng/lượng

Có thể thấy, sau hai tuần đi lệch pha, giá vàng trong nước cuối cùng đã bị ảnh hưởng bởi đà đi xuống của giá vàng thế giới.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng gần 11 triệu đồng/lượng.

Mặc dù giá vàng đã có sự hồi phục vào phiên thứ Sáu sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ vẫn đang ở mức rất cao đã khiến giá vàng giảm khoảng 1,6%, trở thành tuần thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,29% lên 1.945,93 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,13% lên 1.964,9 USD/ounce.

Từ đầu tuần, giá vàng đã bắt đầu giảm sau khi phải đón nhận những bình luận có phần cứng rắn từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ cũng như các cuộc đàm phán về trần nợ công chưa có nhiều tiến triển.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, PCE lõi, thước đo lạm phát yêu thích của Fed tăng 0,4% trong tháng 4 so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ, chỉ số này tăng 4,7%, cũng cao hơn dự báo 0,1%.

Dù lạm phát cao hơn, nhưng chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao (tăng 0,8%) và thu nhập của người lao động cũng tăng (0,4%) trong tháng 4. Cả hai con số này trước đó đều được dự báo tăng 0,4%.

Hiện áp lực giá cả thể hiện khắp các lĩnh vực khi giá cả hàng hóa tăng 0,3% và dịch vụ tăng 0,4% so với tháng trước. Giá thực phẩm giảm gần 0,1%, trong khi giá năng lượng tăng 0,7%. Nếu so với cùng kỳ, giá hàng hóa tăng 2,1%, dịch vụ tăng 5,5%, thực phẩm tăng 6,9%, trong khi giá năng lượng giảm 6,3%.

Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức mục tiêu 2%, trong khi thực tế vẫn còn quá cao so với con số này. Điều này càng củng cố khả năng Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao.

Các đợt nâng lãi suất lẽ ra phải làm giảm nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu chi tiêu tháng 4/2023 cho thấy người tiêu dùng vẫn chi mạnh tay dù lãi suất và lạm phát ở mức cao. Điều này cho thấy Fed cần phải cứng rắn hơn nữa.

Trước thông tin trên, Công cụ FedWatch CME hiện dự đoán 64% cơ hội tăng thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 13-14/6. Hiện tại, vẫn còn hai dữ liệu quan trọng đó là báo cáo việc làm tháng 5 (dự kiến công bố vào ngày 02/06) và báo cáo CPI tháng 5 (dự kiến công bố vào ngày 13/06) để giới đầu tư tiếp tục có thêm dữ liệu trước khi cuộc họp tháng 6 diễn ra.

Mới đây, các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đạt được một thỏa thuận dự kiến với Nhà Trắng để nâng giới hạn vay của quốc gia và tránh được tình trạng vỡ nợ. 

Theo nhiều báo cáo, thỏa thuận này nếu được ban hành, sẽ tăng giới hạn vay của quốc gia trong hai năm và loại bỏ vấn đề bất ổn về mức độ tín nhiệm của Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Tổng thống Biden đã gọi thỏa thuận này là “một bước tiến quan trọng giúp giảm chi tiêu đồng thời bảo vệ các chương trình quan trọng cho người dân đang đi làm và phát triển nền kinh tế cho tất cả mọi người”.

Điều này có thể sẽ là bước khởi đầu của một cuộc vận động hành lang chớp nhoáng của các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện ở cả hai đảng để thuyết phục các thành viên của họ bỏ phiếu cho thỏa thuận, từ đó giành đủ số phiếu tại Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ nắm giữ để tăng trần nợ của Mỹ để đáp ứng thời hạn cuối cùng là ngày 5/6.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã giải thích rằng, cơ quan này đã lên kế hoạch thực hiện khoảng 130 tỷ USD thanh toán và chuyển khoản trong hai ngày đầu tiên của tháng 6. Điều này sẽ khiến ngân sách còn lại của Bộ cực kỳ thấp.

Giới chuyên gia nhận định, cuộc đàm phán nới trần nợ công của Mỹ sẽ kịch tính hơn trong tuần tới và đẩy giá vàng lên cao hơn.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 1,02 điểm so với tuần trước  (+0,04%) xuống 104,21 điểm.

Tỷ giá trung tâm ngày 28/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.711 VND/USD, tăng 31 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.525 - 24.897 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua và bán, hiện đang được yết ở mức 23.320 VND/USD (mua vào) và 23.660 VND/USD (bán ra).

Chờ đợi đàm phán trần nợ công Mỹ, giá vàng điều chỉnh về 1.960 USD/ounce
Bên cạnh câu chuyện về trần nợ công, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng nhiều vào khả năng Fed sẽ không tăng thêm lãi suất điều hành ở kỳ họp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư