Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bất động sản cho thuê suy giảm trên tất cả phương diện
Quang Hưng - 22/03/2021 15:24
 
Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản năm 2020 và Top 10 Công ty uy tín ngành bất động sản năm 2021.
.
Top 10 Chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2021.

Theo nhận định, vị trí số 1 trong top 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2021 thuộc về Công ty cổ phần Vinhomes. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland), Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần tập đoàn Hà Đô, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty TNHH tập đoàn BIM – BIM Group.

Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 2 và 3 năm 2021.

Vietnam Report cũng đưa ra nhận định về công ty bất động sản công nghiệp uy tín năm 2021 với các vị trí lần lượt là: Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex), Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), Tổng Công ty Viglacera – CTCP, Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP, Tổng công ty Idico (Idico), Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D), Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Bình, Công ty cổ phần khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

.
Top 10 Công ty bất động sản công nghiệp uy tín năm 2021.

Còn Top 10 công ty tư vấn và môi giới bất động sản Việt Nam uy tín năm 2021 lần lượt thuộc về: Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land, Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc đất xanh miền Bắc, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, Công ty cổ phần kinh doanh bất động sản Hải Phát Land, Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lan, Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc MGV, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phú Mỹ, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Đất Xanh miền Nam, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Sunny World.

Thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn, biến động với nhiều màu xám khi hầu hết các loại hình bất động sản đều chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong tất cả các phân khúc, bất động sản bán lẻ, khách sạn và bất động sản du lịch là phân khúc bị tác động mạnh nhất. Tại các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, bất động sản du lịch xuống ở mức rất thấp. Các phân khúc văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.

.
Top 10 công ty tư vấn và môi giới bất động sản Việt Nam uy tín năm 2021.

Thị trường hầu như đóng băng vào tháng 3, tháng 4/2020. Nhiều dự án bị đình trệ, dừng thi công, số lượng giao dịch giảm do khó tiếp cận khách hàng, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cũng bị hạn chế. Nhưng sau đó thị trường dần dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng từ quý III/2020, bất chấp các đợt bùng phát dịch diễn ra trong năm 2020 cũng như đợt dịch mới trong đầu năm 2021.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết đến quý IV/2020, có 295 dự án, với 125.449 căn hộ được cấp phép; du lịch nghỉ dưỡng có 49 dự án, với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép trong cả nước. Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong nửa cuối năm 2020, đã có 74.500 sản phẩm giao dịch thành công, tương đương 50% giao dịch thành công của năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thị trường cũng có những điểm sáng, điều này giúp cho bất động sản được xem như là một trong những phân khúc của nền kinh tế mà duy trì được sự phát triển.

Năm 2020, ngành bất động sản tăng trưởng 0,31% so với năm 2019, và đóng góp 4,42% GDP cả nước. Trong đó, nổi bật là phân khúc bất động sản công nghiệp và phân khúc nhà ở. Ngoài ra, bất động sản tại các tỉnh ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, bất động sản nghỉ dưỡng khu vực miền núi Tây Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ, Sapa Lào Cai… đều ghi nhận tín hiệu tốt.

Phân khúc bất động sản công nghiệp được xem là cứu cánh của thị trường bất động sản. Việc thu hút tốt dòng vốn FDI và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam, chẳng hạn như ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… đều có sự phát triển khá sôi động vào những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngành bất động sản năm 2020 đạt đến 3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14,8% tổng vốn FDI thực hiện. Vốn FDI thực hiện trong ngành bất động sản năm 2020 chỉ xếp sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và gấp hơn 2 lần vốn thực hiện của ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt…

Tình trạng mất cân đối cung – cầu vẫn tiếp diễn khi nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình và trung bình khá rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp. Số lượng nhà giá thấp (nhà dưới 2 tỷ) giảm mạnh, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, không có dự án nhà giá thấp nào đủ lớn ra mắt thị trường, những dự án trên dưới 1.000 sản phẩm không có, thậm chí được xem là “biến mất” với phân khúc thị trường này. Trong khi đó, thị trường nhà siêu sang xuất hiện, như là một phần của cuộc sống, và có sự tăng giá trong thời gian vừa qua. Có những sản phẩm tăng giá rất nhiều, đặc biệt tại những nơi có vị trí đắc địa và những nơi có ít sản phẩm mới chỉ với 10-15 căn. Đặc biệt phân khúc duplex, penthouse… còn tăng giá và ở vị trí rất cao khi ra đời trong bối cảnh này.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát, nếu không có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, có thể các phân khúc nhà hạng sang này sẽ còn nhiều hơn và khẳng định như một xu thế. Có những sản phẩm trước đây 150 triệu/m2 thì hiện nay đã lên đến 200 triệu/m2, thậm chí 300 triệu/m2 như khẳng định vị thế của những người chủ của nó.

Thị trường thuê suy giảm trên tất cả phương diện, cả về nhà ở, condotel, officetel, du lịch nghỉ dưỡng…, thậm chí có thể nói là đóng băng. Tuy nhiên, tại thị trường giá mua đứt bán đoạn, nhu cầu thực lại tăng, thậm chí cuối năm so với giữa năm còn tăng đến 20% đối với những sản phẩm có giá tốt.

Với một bức tranh phân mảng theo giai đoạn và theo phân khúc trong năm 2020, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản có sự phân hóa mạnh, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ và không có tài chính để duy trì hoạt động. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có đến 978 doanh nghiệp phải giải thể. Trong khi đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu, thay đổi chiến lược đầu tư, qua đó vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí lãi kỷ lục.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư