Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
“Bắt mạch” xu hướng đầu tư thế giới năm 2024
Đông Phong - 03/01/2024 09:07
 
Thế giới bước vào năm 2024 với kỳ vọng lãi suất giảm, nhưng tăng trưởng vẫn gập ghềnh. Vì vậy, thị trường vốn được dự báo sẽ bị chi phối bởi tâm lý thận trọng “bắt cá nhỏ”, trong khi dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển an toàn hơn.
Sàn chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: AFP

2023 - năm thắng lợi của các “ông lớn” công nghệ

Năm 2023 với hai vấn đề khó chịu nhất là lạm phát và lãi suất cùng tăng cao đã qua đi. Tình hình chuyển biến tích cực hơn trong quý IV/2023, khi các ngân hàng trung ương lớn xoay xở trước áp lực suy thoái kinh tế. Kể từ tháng 9/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 8/2023.

Cú “đạp phanh” lãi suất của các ngân hàng trung ương xem ra là điềm lành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát ở các nền kinh tế lớn dần hạ nhiệt và đang trên lộ trình trở lại mục tiêu trung hạn.

Khép lại năm 2023, các ông lớn công nghệ (big tech) chiếm áp đảo trong danh sách những người thắng đậm nhất được Forbes gọi tên. Trái với năm 2022, khi chứng khoán toàn cầu bị thổi bay 18.000 tỷ USD giá trị vốn hóa, thị trường chứng khoán năm 2023 trở thành nơi đặt cược an toàn, hay chí ít mang lại lợi nhuận tốt hơn. Tính đến giữa tháng 12/2023, Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 25%, trong khi Nasdaq nhảy vọt gần 43%.

Danh sách những người thắng đậm nhất năm 2023 được Forbes gọi tên là “The Magnificent Seven” (“Bộ Bảy Vĩ đại”), gồm các big tech. Apple, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta, Microsoft và Tesla đều ghi nhận cổ phiếu tăng ít nhất gấp đôi so với mức tăng của S&P 500 trong năm 2023.

Cổ phiếu năm 2024: Chọn “cá nhỏ”

Google, Apple và Tesla - ba thành viên của “Bộ Bảy Vĩ đại” - cùng với 10 tên tuổi lớn nhất trong rổ S&P 500 đã thống trị thị trường chứng khoán trong những năm gần đây nhờ quy mô và mức tăng của cổ phiếu. Những cổ phiếu lớn này giao dịch ở mức giá cao hơn khoảng 28,5 lần thu nhập tính đến cuối tháng 11/2023, trong khi 490 cổ phiếu còn lại của S&P 500 được giao dịch ở mức gấp 17 lần thu nhập.

Ông Stephen Kolano, Giám đốc đầu tư Công ty tư vấn đầu tư Integrated Partners (Mỹ) cho rằng, năm 2024, nhà đầu tư có thể nhắm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (mid-cap and small-cap).

“Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hoạt động kém hơn các mã vốn hóa lớn từ khoảng năm 2015 đến nay và hiện giao dịch ở mức định giá 19,5 lần so với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) trung bình 20 năm của họ là 21,3 lần”, ông Kolano cho biết.

Theo ông Stephen Kolano, cơ hội tăng giá cổ phiếu có thể mở ra cho những công ty có vị thế tốt để tăng tốc lợi nhuận nhờ chính sách được nới lỏng và chuỗi cung ứng được cải thiện sau đại dịch Covid-19.

Trái phiếu sẽ trở lại

Với lạm phát suy giảm và nền kinh tế đang ổn định, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp (5,25 - 5,5%) tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023. Đối với năm 2024, Fed dự kiến thực hiện ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất với mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm. Ngoài ra, sẽ có thêm 4 đợt giảm lãi suất vào năm 2025 và 3 đợt khác vào năm 2026 để đưa lãi suất Liên bang về ngưỡng 2 - 2,25%, gần với triển vọng dài hạn.

Giữa căng thẳng địa chính trị, “friendshoring” và “nearshoring” đã nổi lên và được dự đoán sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn cho khoản đầu tư của mình.

Cũng với câu chuyện lãi suất, động thái gây bất ngờ đến từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Sau cuộc họp ngày 19/12/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đã có thông báo gây chú ý khi cho rằng, khả năng đạt mục tiêu lạm phát 2% “đang tăng dần” và cơ quan này sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách nếu triển vọng đạt mục tiêu tăng “đủ mức”.

Ở châu Âu, sau cuộc họp chính sách tháng 12/2023, ECB đã lần thứ hai liên tiếp giữ nguyên lãi suất cơ bản trong bối cảnh lạm phát đã suy giảm. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, họ sẽ tăng tốc để sớm thoát khỏi gói kích thích kinh tế trị giá 1.700 tỷ euro trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Các quan chức ECB khẳng định, họ sẽ đẩy nhanh việc kết thúc tái đầu tư theo Chương trình Mua vào trái phiếu (PEPP). Điều này sẽ đưa tất cả các công cụ chính sách vào chế độ thắt chặt, ngay cả khi những dự báo mới cho thấy nền kinh tế suy yếu hơn sẽ kéo giảm triển vọng lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng quyết định giữ nguyên lãi suất đang ở mức cao nhất trong 15 năm, đồng thời đưa ra thông điệp rằng, chi phí lãi vay sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian, mặc dù họ vẫn đặt cược vào làn sóng cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Dẫu vậy, giới phân tích quốc tế vẫn dự đoán lãi suất sẽ tiếp tục neo cao và đó là điều thuận lợi cho các nhà đầu tư dài hạn.

Ông Andrew Patterson, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao tại Công ty tư vấn đầu tư Vanguard (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng trái phiếu Mỹ sẽ mang lại lợi suất danh nghĩa hàng năm 4,8 - 5,8% trong thập kỷ tới, so với mức 1,5 -  2,5% mà chúng tôi dự đoán trước khi chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu”.

Câu hỏi đặt ra là, khẩu vị trái phiếu năm 2024 ra sao? Các chuyên gia cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn nên được cân nhắc trước tiên. Cho dù đầu tư thông qua quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ tương hỗ hay trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất cao hơn và rủi ro thấp hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Stash Graham, Giám đốc điều hành Quỹ quản lý tài sản Graham Capital Wealth Management (Mỹ) lưu ý: “Nhà đầu tư kiên nhẫn có thể mua được trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn, chất lượng tốt với lãi suất từ 6% trở lên”. Lý do là, trái phiếu ngắn hạn có thể giúp bảo vệ danh mục đầu tư khỏi rủi ro lãi suất vì các động thái lãi suất tiếp theo của Fed vẫn chưa chắc chắn, dù đã có những hé lộ cho năm 2024 và sau đó.

FDI xê dịch theo hướng an toàn hơn

Theo Quỹ quản lý tài sản BNP Paribas Assessment Management, năm 2024, “nhiên liệu” thúc đẩy hoạt động kinh tế của năm 2023 sẽ bắt đầu cạn. Tại Mỹ, số tiền tiết kiệm dư thừa sẽ sớm được người dân đem ra tiêu dùng và hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ suy giảm dần. Châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ suy thoái kinh tế và đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ, trong khi Trung Quốc chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

“Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng cả lạm phát và nhu cầu kinh tế sẽ giảm xuống do các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và thị trường rủi ro đang mờ dần. Nhìn chung, chúng tôi thận trọng về hiệu suất của các tài sản rủi ro và triển vọng vĩ mô rộng hơn trong 12 tháng tới, do những trở ngại về tiền tệ, rủi ro địa chính trị và định giá tài sản đắt đỏ”, ông Marko Kolanovic, đồng Trưởng Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu (Tập đoàn tài chính J.P. Morgan) cho biết.

Theo Công ty phân tích dữ liệu GlobalData (Vương quốc Anh), với triển vọng tăng trưởng còn gập ghềnh, việc cắt giảm lãi suất chưa chắc chắn, vốn FDI toàn cầu năm 2024 được dự báo ổn định. 

Dự báo trên có phần lạc quan thận trọng so với mức giảm hơn 25% số lượng dự án đầu tư FDI mới của năm 2023. Lý do là, các nhà đầu tư có cách tiếp cận dài hạn hơn và sẽ không quá vỡ mộng trước một hoặc hai năm tăng trưởng thấp. Các thị trường lớn hấp dẫn các nhà đầu tư vì chúng cung cấp lượng khách hàng khổng lồ cũng như môi trường kinh doanh, nhân tài và hạ tầng tốt nhất.

Tuy nhiên, giữa căng thẳng địa chính trị, “friendshoring” (hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia thân thiện) và “nearshoring” (dịch chuyển sản xuất về gần để giảm bớt sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu) đã nổi lên và được dự đoán sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn cho khoản đầu tư của mình.

Đơn cử, FDI ra nước ngoài của Mỹ đang trong thời kỳ thay đổi. Các công ty Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động bên ngoài Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% tổng số dự án FDI ra nước ngoài của Mỹ, chưa bằng một nửa so với mức hơn 5% vào năm 2019. Điều này có lợi cho các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Malaysia và Philippines, cùng nhiều quốc gia khác. Riêng với thị trường Việt Nam, tỷ trọng dự án FDI ra nước ngoài của Mỹ đã tăng lên 1,1% vào năm 2023, từ mức 0,9% vào năm 2019 (theo dữ liệu của GlobalData).

Điểm sáng lãi suất và dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
Lãi suất là điểm sáng lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023. Sang năm 2024, lãi suất dự kiến vẫn là điểm sáng, song áp lực lớn nhất với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư