Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà đầu tư nhòm ngó, dự án vẫn biệt tăm
Gia Huy - 14/07/2019 09:53
 
Từ đầu năm 2018 tới nay, thị trường bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đón nhận thông tin về các dự án bất động sản lớn, nhưng tới nay, các dự án đó vẫn biệt tăm, trong khi thị trường loạn dự án “ma”.
Với bờ biển đẹp, Vũng Tàu được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho phát triển bất động sản. Ảnh: G.H
Với bờ biển đẹp, Vũng Tàu được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho phát triển bất động sản. Ảnh: G.H

Hàng loạt nhà đầu tư đề xuất dự án lớn

Đầu năm 2018, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất phương án đầu tư Dự án Vũng Tàu Marina City, với diện tích 345 ha. Dự án bao gồm các phân khu như quảng trường, công viên cây xanh, bãi tắm, cảng tàu quốc tế, trung tâm hội nghị quốc tế, khu căn hộ cao cấp condotel, khu biệt thự biển…

Tới đầu tháng 8/2018, Tập đoàn Novaland đề xuất phương án xây dựng Dự án Palm Beach Vũng Tàu với diện tích 99,5 ha. Dự án này được Novaland cho biết là khu đô thị nghỉ dưỡng mang phong cách châu Âu, với đầy đủ các tiện ích cao cấp tại trục đường 3/2 thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu.

Tiếp đó, đầu năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố việc hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn đã làm việc với UBND để trình bày ý định muốn đầu tư dự án bất động sản.

Cụ thể, tháng 4/2019, Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Cỏ May thuộc địa bàn phường Phước Trung (TP. Bà Rịa). Dự án có tổng diện tích 149 ha, tổng mức đầu tư 8.939 tỷ đồng, không sử dụng vốn nhà nước.

Cũng trong tháng 4/2019, Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc cho biết mong muốn đầu tư khách sạn 7 sao, villa, sân golf, bến du thuyền, casino, triển lãm, khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, thủy cung, trung tâm mua sắm… nằm trên tuyến ven biển thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, trên diện tích đất khoảng 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ bảng Anh.

Đặc biệt, trong tháng 5/2019, UBND tỉnh cũng làm việc với Tập đoàn FLC để nghe đơn vị này báo cáo ý tưởng đầu tư 3 dự án gồm khu đô thị sinh thái, tổ hợp du lịch và vườn thú hoang dã, tổng diện tích hơn 3.000 ha.

Ngày 2/7, Cổng thông tin của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh vừa có cuộc họp để nghe Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Israel, Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển UDIC Hoàng Mai và Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm báo cáo ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái Bắc Phước Thắng và Khu đô thị sinh thái Đông Nam Đảo Long Sơn. Hai dự án đều có quy mô nghiên cứu khoảng 1.500 ha.

Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Hưng Thịnh Corp, An Gia, Him Lam… đều đã có dự án đầu tư vào tỉnh này, nhưng chưa có lịch triển khai  cụ thể.

Vẫn chờ các siêu dự án

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, từ năm 2018 tới nay, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước trình bày đề xuất phát triển dự án, nhưng tới nay, chưa có dự án nào được chấp thuận đầu tư, vì các đề xuất chưa đầy đủ và chưa phù hợp với quy hoạch phát triển thị trường bất động sản của tỉnh, nên tỉnh yêu cầu làm lại đề xuất cho phù hợp.

Thị trường bất động sản tiềm năng nhất của tỉnh được cho là khu vực TP. Vũng Tàu, với bờ biển đẹp, hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM, có cảng biển… Thế nhưng, thị trường này lại chưa được phát triển xứng tầm.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam cho rằng, bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang như một cô gái đẹp ngủ quên, chưa được đánh thức.

“Quỹ đất rất nhiều, số lượng dự án được cấp phép lớn, nhưng hầu như không triển khai. Các doanh nghiệp của tỉnh phát triển thị trường là chính, còn các doanh nghiệp bất động sản lớn lại chưa xuất hiện làm dự án tại đây”, ông Lâm nói.

Trong khi đề xuất dự án của các doanh nghiệp lớn chưa ngã ngũ, thì các doanh nghiệp nhỏ và nhà đầu tư thứ cấp đã tranh thủ “ăn theo” để phát triển các dự án phân lô bán nền ở tại các địa phương như Châu Đức, TP. Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ…, khiến tỉnh này đau đầu.

Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên tục đưa ra cảnh báo các dự án “ma” xuất hiện trên địa bàn. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trên các tuyến đường chính đi qua các xã Tóc Tiên, Châu Pha, Hắc Dịch..., hàng trăm biển quảng cáo bán đất nền dự án được dựng lên rất hoành tráng, trong đó hầu hết đều khẳng định đã được chính quyền địa phương cấp phép. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho biết, đây đều là dự án “ma”.

Đơn cử, tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ đầu năm 2019 xuất hiện Dự án Samsung Luxury. Tuy nhiên, ông Ngụy Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch khẳng định, trên địa bàn phường quản lý không có dự án khu dân cư nào mang tên Samsung Luxury. Vị trí được quảng cáo thực chất đang là đất nông nghiệp, không quy hoạch khu dân cư.

“Để hạn chế người dân mua bán đất bất hợp pháp tại những dự án không rõ ràng về pháp lý dẫn đến những rủi ro sau này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng loạt cắm biển thông báo: “Khu vực này hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực hiện. Đề nghị bà con cảnh giác”. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt đối với các dự án như vậy”, ông Sơn nói.

Cưỡng chế các dự án “ma” tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thị xã Phú Mỹ có 113 dự án quy mô lớn nhỏ, cả trăm héc-ta đất nông nghiệp ở các xã Tóc Tiên, Mỹ Xuân, Châu Pha... bị phân lô bán nền trái phép.

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, chính quyền sẽ xử lý các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không đúng mục đích. Tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu.

Ngày 13/6, thị xã Phú Mỹ đồng loạt ra quân, cưỡng chế 58 công trình vi phạm trên địa bàn, trong đó có dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản