Bất động sản khu công nghiệp hút khách
Việt Dũng - 13/08/2022 08:51
 
Trong khi phân khúc căn hộ và nhà đất đang gặp nhiều khó khăn vì thanh khoản giảm, thì bất động sản công nghiệp lại hút khách, nhiều chủ đầu tư tăng cường mở rộng mặt bằng.
Ảnh minh họa

Lợi nhuận tăng mạnh

Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp quay trở lại các khu công nghiệp (KCN) để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Bối cảnh thuận lợi đã giúp nhóm doanh nghiệp bất động sản KCN tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Đơn cử, trong quý II/2022, Tổng công ty IDICO ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 3.307 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.467 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ các dự án KCN. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của IDICO đạt 1.751 tỷ đồng, gấp 5,1 lần nửa đầu năm 2021, hoàn thành 62,5% kế hoạch doanh thu và 79% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tổng công ty Viglacera cũng công bố lãi lớn trong quý II với lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 691 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu thuần đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 40,6%. 6 tháng đầu năm, Viglacera đạt 8.100 tỷ đồng doanh thu, tăng 90%; 1.740 tỷ đồng lãi trước thuế và 1.443 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 121% và 129% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý II, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) ghi nhận doanh thu 1.979 tỷ đồng, tăng 11,7% và lợi nhuận sau thuế gần 979 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng, Becamex IDC đạt tổng doanh thu 3.358 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 1.370 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng công ty Phát triển KCN (Sonadezi) cũng báo doanh thu quý II đạt gần 1.317 tỷ đồng, tăng 4%; lãi sau thuế gần 424 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ doanh thu từ kinh doanh KCN đạt gần 337 tỷ đồng, tăng gần 47%. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Sonadezi tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 671 tỷ đồng.

Tấp nập mở rộng quy mô

Mới đây, các tên tuổi lớn như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek… đều công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.

Trước những tín hiệu kinh doanh tích cực và nhận diện được cơ hội trong tương lai, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoặc xây mới các KCN để đón sóng đầu tư. Đơn cử, Công ty cổ phần Vina CPK đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh đền bù giải phóng mặt bằng để đạt mục tiêu đưa 60 ha đất công nghiệp vào khai thác cuối năm 2022.

“Phần diện tích 204 ha đất KCN mà Vina CPK đang khai thác đã được lấp đầy với sự hiện diện của 67 nhà đầu tư… Vina CPK đang lên kế hoạch triển khai đầu tư 104 ha còn lại, đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà máy của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án của Vina CPK chia sẻ.

Tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư nhằm trao đổi về chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2026, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.E.O (CEO Group) cho biết, đơn vị hiện có hơn 1.000 ha đất (trong đó đã phát triển hơn 300 ha) và ngay trong năm nay sẽ phát triển thêm 500 - 1.000 ha.

Trong 5 năm tới, CEO Group sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản KCN. Ông Bình đánh giá, đây là lĩnh vực có triển vọng lớn, vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao với 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cơ hội thị trường rất rộng mở. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản KCN cũng đón nhận tác động tích cực từ làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trước đó, tại Bình Dương, KCN VSIP III đã được khởi công. Dự án có diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, đánh dấu mốc phát triển mới của VSIP với việc chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn.

Tại Hải Phòng, JD Future Explore V Limited cũng khởi công xây dựng Khu Logistics JD Property (Việt Nam) Hải Phòng 1 trên diện tích 97.000 m2 tại Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ (Khu 1). Còn tại Hà Nội, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập) khởi công Dự án 16 - kho xây sẵn BW Phú Nghĩa tại KCN Phú Nghĩa.

Cũng bởi sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp, nên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này cũng đang tăng sức “nóng”.

BW đã công bố việc mua lại 74.000 m2 tại KCN Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh). Công ty TNHH Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công nghiệp logistics KTG & Boustead tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD.

Bên cạnh đó, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners (trụ sở tại Hồng Kông), với Dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 diện tích 6.056 m2 tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản