Bất động sản TP.HCM: Ẩn số khu Tây
Gia Huy - 23/02/2019 10:10
 
Quỹ đất lớn, nhu cầu nhà ở cao, lại có lợi thế giáp tỉnh Long An và Tây Ninh, nhưng nhiều năm nay, bất động sản khu Tây TP.HCM phát triển chậm. Tuy nhiên, năm 2019, tình hình có thể thay đổi.
Khu Tây TP.HCM với quỹ đất rộng, là tiềm năng lớn để phát triển thị trường bất động sản.
Khu Tây TP.HCM với quỹ đất rộng, là tiềm năng lớn để phát triển thị trường bất động sản.

Thị trường tiềm năng

Khu Tây TP.HCM gồm các quận, huyện là quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Phía Bắc giáp huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), nằm trên tuyến Quốc lộ 22 đến tỉnh Tây Ninh.

Đây là khu vực được TP.HCM hướng trọng tâm phát triển công nghiệp chế tạo với các khu công nghiệp lớn như Vĩnh Lộc, Bình Tân, Củ Chi. Đây cũng là khu vực có diện tích rộng nhất TP.HCM, với các trục đường giao thông huyết mạch như trục Quốc lộ 1A nối miền Đông Nam bộ với miền Tây Nam bộ; trục đường Cộng Hòa, Trường Chinh nối vào nội đô.

Quỹ đất tại đây cũng được cho là tiềm năng, với những khu đất rộng lớn tại Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… Trong năm 2018 đã có một số dự án bất động sản lớn xuất hiện tại đây như Dự án Pi City (quận 12) của Tập đoàn Pi Group, với diện tích rộng 8,6 ha, gồm 6 block, cung cấp 6.000 căn.

Tại quận Tân Phú có Dự án Celadon City, với tổng diện tích lên tới 82 ha, mật độ xây dựng chỉ 20% với hơn 7.000 căn hộ. Hay Dự án Lotus Park View của chủ đầu tư Phúc Khang, với 6 block cao 21 tầng trên đường Lũy Bán Bích. Ngoài ra, các chủ đầu tư Hưng Thịnh Corp, Novaland, TTC Land… cũng đang có những dự án bất động sản tại khu vực này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ở phân khu lớn nhất TP.HCM, với lượng dân đông và nhu cầu nhà ở khá lớn như khu Tây, thì số lượng dự án trên là quá ít. Thêm vào đó, nhìn vào báo cáo giao dịch của các chủ đầu tư dự án lại quá thấp, cho thấy có nhiều điểm yếu mà thị trường bất động sản khu vực này đang gặp phải.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group, điểm yếu đầu tiên là giao thông. Tại khu Tây, để kết nối vào trung tâm TP.HCM chỉ có hai tuyến đường là tuyến Trường Chinh và tuyến Cộng Hòa. Riêng tuyến đường Cộng Hòa và đoạn cuối đường Trường Chinh mới được cải tạo mở rộng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, luôn trong tình trạng kẹt xe.

Tiếp đó là hạ tầng tiện ích. Tại khu Tây đang có rất ít khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm lớn (chỉ có Aeon Mall quận Tân Phú và Bình Tân). Bên cạnh đó, địa thế khu Tây cũng gặp bất lợi khi trên địa bàn có 1 nghĩa địa và lò hỏa thiêu lớn nhất TP.HCM là Bình Hưng Hòa.

Cũng vì điều này mà nhiều doanh nghiệp đã có quỹ đất lớn tại khu Tây như Hưng Thịnh Corp, Novaland, Đất Xanh… chưa dám phát triển dự án.

Nhận diện năm 2019

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp khó trong việc phát triển dự án mới. Trong đó, hạn chế lớn nhất là các chủ đầu tư hiện không thể ra được dự án mới tại các phân khu trọng tâm như khu Nam, khu Đông.

“Tuy nhiên, vẫn còn một nhân tố cho thị trường. Đó là khu Tây với quỹ đất rộng, các chủ đầu tư nắm quỹ đất tại đây đều là quỹ đất lớn. Đặc biệt, giá đất tại khu Tây đang rẻ hơn mặt bằng chung tại TP.HCM hiện nay”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, câu chuyện mà thị trường đang cần, đó là các dự án bài bản và hạ tầng giao thông phải mở rộng hơn, tiện ích sống phải được xây dựng nhiều hơn. Trong đó, khu Tây đang được hưởng lợi thế này trong năm 2019, khi TP.HCM cho biết sẽ dành hơn 96.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Cùng với ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải; triển khai các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, TP.HCM cũng quyết tâm đưa tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào khai thác trong năm 2020, đẩy nhanh tiến độ tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông - Tây và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

“Ngoài ra, kế hoạch phát triển tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách mạng Tháng 8 để phát triển khu Tây cũng nằm trong trọng tâm của Thành phố. Một điểm nữa mà khu Tây đang hưởng, đó là Thành phố sẽ xây dựng khu y tế công nghệ cao tại quận Bình Tân”, ông Châu nói.

Một kế hoạch lớn nữa mà TP.HCM đưa ra trong năm 2019 là phát triển dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Đây là dự án trọng điểm mà nhiều năm nay TP.HCM chưa thực hiện. Trong đó, y tế, giáo dục, trung tâm thể dục thể thao, dự án bất động sản với nhà ở, chung cư, biệt thự đều được xây dựng tại đây và Thành phố muốn tái khởi động trong năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn “nhòm ngó” khu Tây

Điểm sáng của thị trường bất động sản khu Tây là đang có nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn “nhòm ngó” khu vực này như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Tuần Châu.

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, thị trường chính đang khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn phải tìm đến các thị trường ngách như khu Tây để tìm cơ hội đầu tư. Đây là giải pháp tình thế của nhà đầu tư buộc phải tìm hướng đi mới do không còn đủ sức đeo bám vào phân khu trọng tâm như trước đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản