Bất động sản TP.HCM: Doanh nghiệp than khó
Gia Huy - 03/04/2019 10:20
 
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền của Sở giảm 63%. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM than phiền về việc hàng loạt dự án gặp khó trong cấp phép xây dựng.
.
Các doanh nghiệp địa ốc than phiền về việc hàng loạt dự án gặp khó trong cấp phép xây dựng.

Thị trường hiếm dự án mới

Tại cuộc làm việc định kỳ hàng quý giữa UBND TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền của Sở giảm 63%. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ có 10 dự án hình thành trong tương lai được cấp phép mở bán, với tổng số 3.109 sản phẩm là căn hộ và nhà thấp tầng. Các dự án được phân bổ chủ yếu tại khu Đông và khu Nam Thành phố.

Cùng kỳ năm ngoái, có tới 20 dự án được cấp phép mở bán với hơn 10.000 sản phẩm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản.

“Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế “xin - cho”, tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng.

Vướng mắc còn nhiều

Trước những khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo TP.HCM với mong muốn Thành phố có giải pháp tháo gỡ.

Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Lê Thành tại phường An Lạc, quận Bình Tân, có diện tích đất 12.103 m2, đã khẩn thiết kiến nghị Thành phố giải quyết vướng mắc để dự án sớm tiến hành. Đây là dự án nhà ở xã hội cho thuê trả tiền hàng tháng đầu tiên, do doanh nghiệp tư nhân tự bồi thường giải phóng mặt bằng, tự thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Theo quy định, Dự án được miễn tiền sử dụng đất, được đăng bộ để đủ điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng. Mặc dù UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành hoàn tất thủ tục ưu đãi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để chủ đầu tư thực hiện dự án, dù đã hơn 3 năm.

Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim thì mong UBND Thành phố xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty về việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần công trình ngầm của Dự án Khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ Gate Way tại phường Thảo Điền (quận 2).

Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều dự án có diện tích của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế nhà chung cư cao tầng. Dự án Gate Way có diện tích xây dựng khối đế (phần nổi) là 5.742,8 m2, diện tích xây dựng tầng hầm (phần ngầm) là 9.089,2 m2. Khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm 9.089,2 m2. Nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế 5.742,8 m2, còn diện tích tầng hầm ngoài ranh khối đế lại không được công nhận.

Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Gia Phú là chủ đầu tư Dự án khu nhà ở thương mại - dịch vụ - căn hộ tại số 1472 - Võ Văn Kiệt và số 445-449 Gia Phú, phường 3, quận 6 cho biết, dù Công ty đã hoàn thành thi công và đang tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình để bàn giao căn hộ cho khách hàng, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã tạm dừng việc xem xét, giải quyết hồ sơ thẩm định giá đất dự án, chờ tham khảo ý kiến của các cơ quan, ban ngành và chờ văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ.

“Công ty Việt Gia Phú đề nghị UBND Thành phố sớm giải quyết để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đưa dự án vào hoạt động và bàn giao nhà cho cư dân”, đại diện Công ty kiến nghị. 

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thì cho rằng quy định về “đất ở hợp pháp” để chấp thuận chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại không rõ ràng đã “trói tay chân các doanh nghiệp”.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, đa phần vướng về pháp luật mà Thành phố không có quyền tự quyết. Thành phố sẽ tập hợp các vướng mắc này để gửi Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

HoREA đề xuất cơ chế tính tiền sử dụng đối với quỹ đất công

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...).

HoREA kiến nghị với phần đất này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư không thông qua đấu giá. Chủ đầu tư phải hoán đổi, trả lại bằng đất ở đã có hạ tầng tại dự án cho Nhà nước theo tỷ lệ 10 - 15% (hoặc tỷ lệ khác do Thành phố quy định).

Phương án 2, HoREA đề xuất áp dụng các phương pháp xác định "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường theo quy định của pháp luật đất đai đối với phần diện tích đất công này và chủ đầu tư nộp ngân sách nhà nước để được giao đất, cho thuê đất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản