Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra bất động sản có yếu tố thổi giá; Đầu tư địa ốc dễ thành công hơn chứng khoán?
Thanh Vũ - 14/09/2024 08:44
 
Đất đấu giá huyện Phúc Thọ có giá gần 70 triệu đồng/m2; Quận Ba Đình xây mới khu tập thể cũ, người dân được đền bù thế nào?; TP.HCM dự kiến bỏ điều kiện quy hoạch khi tách thửa.

Sau đây là tổng hợp các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần.

Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra các bất động sản có yếu tố thổi giá

Trong văn bản gửi các địa phương, Bộ Xây dựng nhận định rằng, thị trường địa ốc gần đây đã phát triển với quỹ đạo không bền vững và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.

Bên cạnh đó, tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật đang xảy ra tại một số địa phương. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Những lô đất đấu giá tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) được môi giới rao bán chênh công khai. Ảnh: Thanh Vũ

“Tình trạng này xảy ra đặc biệt tại Hà Nội. Giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân”, Bộ Xây dựng nêu rõ.

Văn bản của Bộ cũng đã nhắc đến các buổi đấu giá đất gây xôn xao dư luận tại vùng ven Hà Nội. Theo nhận định của cơ quan này, những con số giá trúng cao kỷ lục và lớn hơn nhiều lần so với giá khởi điểm đã làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ. Trong đó bao gồm việc kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới tại địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt là tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.

Lô đất 100 triệu đồng/m2 tại Thanh Oai bị bỏ cọc

Theo ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội), hiện tại đã hết thời hạn nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Tuy nhiên, mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. 

Đáng chú ý, chủ nhân của lô đất trúng đấu giá cao nhất hơn 100,5 triệu đồng/m2 hiện vẫn chưa nộp tiền và bỏ cọc. Còn 13 lô đất đã nộp tiền đều có mức giá trúng thấp. Ông Quảng cho biết, phiên đấu giá phải đợi hết 120 ngày mới hủy kết quả nên huyện vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.

Hình ảnh về lô đất trúng giá 100,5 triệu đồng/m2 tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bất động sản Tâm Phúc.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam - đơn vị tổ chức buổi đấu giá vừa qua, cho biết, bản thân cũng không nghĩ mức giá trúng sẽ đạt tới hơn 100 triệu đồng/m2. 

“Tại buổi đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến mức giá trúng cao nhất là 60 - 70 triệu đồng/m2. Người dân địa phương - một trong những tệp khách hàng tiềm năng nhất của khu đất - cũng khó chấp nhận mức giá ấy”, vị này nhận định.

Vào ngày 10/8, dư luận đã xôn xao trước thông tin giá đất đấu giá tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) lên tới 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô khác cũng có giá trúng rất cao, lên tới 63 - 80 triệu đồng/m2, cao gấp 5 - 6,4 lần. Đây là các con số cao chưa từng có đối với thị trường đất nền tại huyện Thanh Oai.

Đất đấu giá huyện Phúc Thọ có giá trúng gần 70 triệu đồng/m2

Vào chiều ngày 10/9, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Phúc Thọ phối hợp với Công ty đấu giá Hợp danh Lạc Việt đã tổ chức đấu giá 47 thửa đất ở tại xã Trạch Mỹ Lộc, Xuân Đình, Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Giá khởi điểm các lô đất tại 3 xã lần lượt là 23,4; 25 và 19,8 triệu đồng/m2. Diện tích các thửa dao động 97,1 - 162,9 m2. 

Cuộc đấu giá này đã thu về 416 hồ sơ hợp lệ tham gia và được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín một vòng cho tất cả các thửa đất. 

Kết quả, 30 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc đã được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất là 69,8 triệu đồng/m2, thấp nhất là 39,2 triệu đồng/m2. 

9 thửa đất ở khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc có mức giá trúng cao nhất là 25,6 triệu đồng/m2, thấp nhất là 23,4 triệu đồng/m2

8 lô đất tại khu Hương Nam xã Xuân Đình ghi nhận mức giá trúng cao nhất là 28,4 triệu đồng/m2, thấp nhất là 26,4 triệu đồng/m2.

Huyện Mê Linh lùi lịch đấu giá 32 thửa đất sang ngày 18/9

Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam mới đây có thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức đấu giá 32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội (đợt 6).

Theo đó, phiên đấu giá này sẽ được được dời sang 14 giờ ngày 18/9, thay vì ngày 12/9 như công bố trước đó. Địa điểm tổ chức vẫn là hội trường Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh. 

Các lô đất đấu giá có diện tích khoảng 73,5 - 187,5 m2, giá khởi điểm dao động 21,7 - 32,8 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt cọc thấp nhất là 405 triệu đồng, cao nhất là hơn 1,2 tỷ đồng.

Với các khách hàng đã nộp khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, hồ sơ sẽ được bảo lưu đến ngày xét duyệt điều kiện. Với các khách hàng chưa nộp khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, hạn nộp sẽ được kéo dài đến chiều ngày 16/9.  

Trao đổi nhanh với lãnh đạo Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, buổi đấu giá được lùi lịch tổ chức vì lý do thời tiết. Trước đó, nhiều phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội đã phải tạm hoãn hoặc lùi ngày để chờ đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra kết luận về tình trạng thổi giá, đầu cơ, đặc biệt là các khu vực tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai. 

Đầu tư bất động sản có dễ thành công hơn đầu tư chứng khoán?

Trong Talkshow “Đầu tư bất động sản thời giá lên” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Thạc Cường, Phó tổng giám đốc Mai Việt Land khẳng định rằng, bất động sản là một kênh đầu tư tương đối dễ so với các kênh khác. Để hình tượng hoá nhận định trên, ông Cường cho biết, nếu trung bình có 10 người đầu tư vào địa ốc và chứng khoán, thì tỷ lệ thành công ở bất động sản sẽ cao hơn. 

Các vị chuyên gia có mặt trong buổi talkshow của Báo Đầu tư.

“Do bất động sản là kênh đầu tư dễ hơn so với các kênh còn lại, nên loại hình này nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, trong khi sức cầu và mong muốn đầu tư luôn ở mức cao, giá bán của các sản phẩm địa ốc cũng vì vậy mà đi lên", Phó tổng giám đốc Mai Việt Land cho biết.

Tuy nhiên, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) lại cho rằng, đầu tư bất động sản là một chuyện không hề dễ dàng. Đây là lớp tài sản có mức độ nhạy cảm lớn với các biến số kinh tế, trong khi suốt 30 năm trở lại đây, thị trường lại luôn biến động bất thường.

“Nếu bạn mua bất động sản vùng ven Hà Nội vào năm 2010 - 2011 thì chắc phải đợi đến bây giờ mới có lãi. Bởi lẽ, lúc đó mức giá đã bị đẩy lên cao, sau đó thị trường lại rơi vào cảnh “đóng băng". Nếu đầu tư mà phải chờ một giai đoạn dài mới "chốt lãi" thì lợi nhuận sẽ bị chi phí vốn làm hao mòn”, ông Long dẫn chứng.

Tiếp tục nêu ví dụ, vị chuyên gia này cho biết, vào năm 2021 - 2022, với những nhà đầu tư chọn sai khu vực và phân khúc để rót vốn, có lẽ họ hiện nay vẫn chưa “về bờ”. Những thiệt hại tài chính thậm chí còn nặng nề hơn đối với những người mua bất động sản vùng ven.

Quận Ba Đình xây mới khu tập thể cũ, người dân được đền bù thế nào?

Mới đây, UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) đã lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch chi tiết khu vực tái thiết, xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, quy mô đồ án rộng 24,08 ha, tổng dân số trong khu vực quy hoạch là 17.800 người. Trong đó, khu vực được đề xuất cải tạo, tái thiết xây dựng lại rộng khoảng 21.364 m2. Đây là khu nhà tập thể, đất lấn chiếm để kinh doanh, các cụm nhà ở riêng lẻ, sân giữa các nhà tập thể trên địa bàn.

Các phân vùng chịu tác động trong đồ án quy hoạch.

Theo kế hoạch đền bù trong đồ án, sàn chung cư cũ sẽ được bồi thường từ 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ bị phá dỡ. Đối với sàn chung cư cũ cơi nới, lấn chiếm, tỷ lệ đền bù sẽ khoảng 0,3 lần diện tích sử dụng.

Bản quy hoạch sử dụng đất của phường cho biết, diện tích đất để xây dựng chung cư mới sẽ khoảng 16.206 m2, chiếm 6,7% tổng quy mô của đồ án. Dự kiến lượng dân số tại dự án sẽ khoảng 4.272 người. 

Hiện tại, khu vực Ngọc Khánh được đánh giá là có hiệu quả sử dụng đất thấp, mật độ xây dựng cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn như cây xanh, bãi đỗ xe và hệ thống giao thông phức tạp.

Việc cải tạo nhằm mục tiêu phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị dựa vào giao thông công cộng), giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe được bổ sung. Ngoài ra, hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ được đồng bộ.

Ngân hàng đại hạ giá biệt thự tại khu đô thị Ciputra để thu hồi nợ

Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An mới đây đã thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là 2 căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Trong hơn 2 tháng qua, ngân hàng này đã phát đi 3 thông báo bán đấu giá đối với 2 tài sản này, một lần giữa tháng 8 và 2 lần trong tháng 7. Đáng chú ý, mức giá khởi điểm của căn biệt thự liên tục giảm qua từng đợt thông báo.

Tài sản đảm bảo thứ nhất là căn biệt thự có tổng diện tích xây dựng 607 m2, phần diện tích đất là 400 m2. Giá khởi điểm là 184,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), giảm gần 10 tỷ đồng so với giá rao bán hồi tháng 8 và giảm 31 tỷ đồng so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 7.

Căn biệt thự thứ hai có diện tích xây dựng là 116 m2, phần diện tích đất 230 m2. Mức giá khởi điểm là 83,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Con số này cũng đã giảm hơn 4 tỷ đồng so với giá thông báo hồi giữa tháng 8 và thấp hơn 14 tỷ đồng so với mức đưa ra hồi đầu tháng 7.

Người tham gia đấu giá cần đặt cọc trước 18,5 tỷ đồng nếu mua căn biệt thự thứ nhất và 8,4 tỷ đồng với căn thứ hai. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra sáng 13/9. Hiện trên thị trường, giá chuyển nhượng biệt thự, liền kề tại khu đô thị Ciputra khoảng 250 - 390 triệu đồng/m2, tùy căn và vị trí.

TP.HCM dự kiến bỏ điều kiện quy hoạch khi tách thửa

Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang lấy ý kiến về dự thảo quy định tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách trên địa bàn TP.HCM theo Luật Đất đai 2024.

Điểm mới của dự thảo lần này là đã bỏ điều kiện về quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với thửa đất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, dân cư hiện hữu; quy hoạch tỷ lệ 1/500 với thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở). Theo đó, điều kiện để tách thửa đất theo quy định của dự thảo mới chỉ cần đảm bảo diện tích tối thiểu.

Cụ thể, với đất ở khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú; thửa đất ở hình thành và đất còn lại sau khi tách phải tối thiểu 36 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3 m.

Khu vực 2, gồm các quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức và thị trấn các huyện, thửa đất ở hình thành và còn lại sau khi tách phải tối thiểu 50 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4 m.

Khu vực 3, gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn), thửa đất ở hình thành và còn lại sau khi tách phải tối thiểu 80 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5 m.

Đối với thửa đất nông nghiệp, phải đáp ứng điều kiện là 500 m2 với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; 1.000 m2 với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.

Bên cạnh đó, việc tách, hợp thửa đất cũng phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. 

Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa có đất ở và đất khác trong cùng thửa để làm lối đi, khi thực hiện việc tách hoặc hợp, không phải chuyển mục đích sử dụng đất với phần diện tích làm lối đi đó.

Ninh Thuận tìm được chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội gần 1.200 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu tái định cư Thành Hải. Theo đó, danh tính của đơn vị này là Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận (gọi tắt là Công ty Hoàng Quân Bình Thuận).

Dự án nhà ở xã hội trên được thực hiện tại khu tái định cư cụm công nghiệp Thành Hải (nay là Khu công nghiệp Thành Hải), xã Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Dự án có diện tích hơn 1,9 ha với quy mô đầu tư gồm 1.155 căn nhà ở xã hội và 197 căn nhà ở thương mại. Lượng căn hộ trên dự kiến sẽ phục vụ nhu cầu cho khoảng 4.620 người tại nhà ở xã hội và 788 người tại nhà ở thương mại.

Tiến độ thực hiện dự án sẽ kéo dài trong vòng 889 ngày. Tổng chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là hơn 1.136 tỷ đồng.

Công ty Hoàng Quân Bình Thuận là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân, được thành lập năm 2004, với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Công ty được biết là chủ đầu tư các dự án tại tỉnh Bình Thuận như khu công nghiệp Hàm Kiệm tại huyện Hàm Thuận Nam (132,67 ha) và khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (13,5 ha).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản