Câu chuyện chung cư!
Từ nhỏ tôi đã biết thế nào là cuộc sống tập thể. Đó là một vùng ngoại thành Hà Nội, nơi bố mẹ tôi làm việc tại một nhà máy ô tô thời bao cấp. Khái niệm “chung cư” mãi sau này từ miền Nam mới lan ra ngoài Bắc, cũng như “mì ăn liền” vậy.

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ngoài Bắc chỉ có nhà tập thể, là những căn hộ, hoặc gian phòng của công ty, xí nghiệp phân cho cán bộ, công nhân viên. Rồi mạnh ai nấy giữ, cải tạo gì, cơi nới ra sao, tùy nghi.

Thời bao cấp khó khăn, người ta nghĩ ra đủ cách tận dụng căn hộ tập thể. Buồng tắm, nhà bếp có khi biến thành chuồng heo, chuồng gà chăn nuôi cải thiện. Khu nhà tập thể lúc ấy có lẽ cũng không khác cung cách tổ chức cuộc sống của làng quê là bao nhiêu.

Đến những năm 1990, bắt đầu nghe nhiều dần hai chữ “chung cư”. Nhưng rồi cũng phải cả chục năm sau, khái niệm “chung cư thương mại”, nhà ở cao tầng do các công ty nhà nước có, tư nhân có, xây dựng để bán cho dân đô thị, khi diện tích đất nội đô ngày càng thu hẹp, ý tưởng sở hữu nhà mặt đất, nhà phố ngày càng trở nên xa xỉ.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mọi thứ là “của chung”, từ sân chơi, giếng nước, nhà vệ sinh…, chứng kiến cảnh mọi thứ của chung đều dần trở nên tồi tàn, tiều tụy vì tư duy “cha chung không ai khóc”, đã có lúc tôi tự nhủ, sau này khi lớn lên sẽ không bao giờ quay lại cuộc sống tập thể, chung cư (tất nhiên là kiểu cũ).

.
Chung cư vẫn là lựa chọn gần như duy nhất của đa số cư dân đô thị

Tôi từng sở hữu nhà mặt đất ở Hà Nội, từng mua đất, xây nhà ở TP.HCM, rồi lại quay ra Bắc mua đất làm nhà vườn ở ngoại thành Hà Nội. Trong suốt cả chục năm ấy, ý tưởng quay trở lại cuộc sống chung cư, nhà cao tầng không bao giờ xuất hiện trong đầu một người quá ám ảnh với đời sống tập thể thời bao cấp như tôi.

Nhưng tốc độ đô thị hóa ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM ngày càng khiến việc sở hữu nhà mặt đất trở nên xa vời đối với đa số dân cư đô thị. Và điều này, xét trên thực tế của các siêu đô thị khắp các châu lục, là điều tất yếu. Chung cư là sự lựa chọn gần như duy nhất ở vùng lõi các đô thị lớn.

Thời hội nhập, Việt Nam cũng không thể đi khác với con đường của các nước phát triển. Nhà cao tầng, chung cư mọc lên khắp các đô thị lớn và cùng với đó, cũng hình thành cái gọi là lối sống, văn hóa chung cư. 

Trong bối ảnh ấy, tôi, sau một thời gian đắn đo, cũng chấp nhận vòng xoáy đó, bởi không thể đòi hỏi vừa có nhà cửa rộng rãi, có vườn tược, ô tô đậu trong gara nhà mình mà vẫn không quá xa trung tâm thành phố, nếu bản thân không phải là đại gia “tiền đè chết người”.

Chuyện đời chẳng bao giờ đơn giản. Ở xứ ta, phàm thứ gì dính dáng đến chuyện “chung” lại càng không đơn giản. Ở chung cư rồi mới thấy nảy sinh biết bao nhiêu thứ không ngờ, không hề được ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa cư dân và chủ đầu tư .

Tất nhiên, chung cư thương mại ngày nay khác xa những khu tập thể tối tăm, cổ lỗ, với đủ loại cơi nới kiểu “chuồng cọp” thời bao cấp. Chung cư hiện nay có vườn hoa công cộng, bãi cỏ, sân chơi dành cho người già, trẻ em, hầm để ô tô, xe máy, hệ thống siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao… Tất cả dường như đã sẵn sàng đưa cư dân vào một cuộc sống hiện đại, tiêu chuẩn đô thị như bao đô thị lớn khác trên thế giới.

Không còn lo cảnh trộm cắp hoành hành, nạn “cha chung không ai khóc” với các công trình công cộng, những bãi rác không xác định được ai mới là người có trách nhiệm dọn dẹp như thời xa xưa. Tất cả đã có hệ thống dịch vụ, có các công ty chuyên trách. Có vẻ như bây giờ, việc của cư dân chỉ là tuân thủ các quy định và đóng tiền dịch vụ hằng tháng đầy đủ.

Nhưng chuyện đời chẳng bao giờ đơn giản. Ở xứ ta, phàm thứ gì dính dáng đến chuyện “chung” lại càng không đơn giản. Ở chung cư rồi mới thấy nảy sinh biết bao nhiêu thứ không ngờ, không hề được ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa cư dân và chủ đầu tư.

Lúc mới mua nhà, quảng cáo nói “mỗi căn hộ một chỗ để ô tô”, nhưng khi về ở, cả tòa nhà 170 căn hộ mà 2 tầng hầm chỉ chứa được chưa tới 50 xe. Thắc mắc thì được trả lời, còn chỗ đậu ngoài hè, hoặc bên cạnh công viên, rằng “chúng tôi nói mỗi căn hộ một chỗ đậu xe, chứ có nói chỗ đó nhất thiết trong hầm đâu”.

Đó còn là những rắc rối liên quan đến nguồn nước sạch hay phí dịch vụ. Mấy hôm vừa rồi, ngay tại Hà Nội, nhiều người tưởng như lại “được” quay về thời bao cấp khi phải xách xô, chậu đi hứng nước vì nguồn nước sạch sông Đà ô nhiễm, hoặc những tranh cãi liên quan đến quỹ bảo trì, đến sự khác biệt giữa đơn giá dịch vụ thực thu và giá trong hợp đồng mua bán căn hộ không giống nhau.

Có nơi, dù đã ở nhiều năm, nhưng người sở hữu căn hộ vẫn không làm được sổ hồng chỉ vì những vi phạm của chủ đầu tư. Lại có nơi, ban quản trị vừa được bầu ra đã lợi dụng quyền hạn và tín nhiệm để có những hành vi thu lợi riêng cho một vài cá nhân.

Và đủ loại tranh chấp khác mà nguyên nhân cơ bản là hệ thống pháp luật liên quan đến loại hình nhà chung cư và những thứ liên quan chưa được xây dựng đầy đủ, đồng bộ. Ở thời điểm hiện tại, người ta còn đang tranh cãi có nên cho phường, xã tham gia ban quản trị chung cư hoặc đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư hay không…

Nói gì thì nói, chung cư vẫn là lựa chọn gần như duy nhất của đa số cư dân đô thị. Luật lệ, quy định chưa hoàn thiện là một chuyện, cuộc sống vẫn phải diễn ra, người ta vẫn phải ăn, phải ở.

So với các khu tập thể, chung cư thời bao cấp, dù còn nhiều vấn đề cần khắc phục, chung cư đô thị ở thời hiện tại vẫn là một bước phát triển vượt bậc, là thứ giúp các đô thị của Việt Nam tiệm cận trình độ tổ chức cuộc sống hiện đại của các đô thị lớn ở các nước phát triển. Xử lý những bất cập, thiếu sót trong hệ thống pháp luật liên quan đến chung cư, do vậy, đang là yêu cầu bức thiết mà cuộc sống đặt ra với các cơ quan quản lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản