Đất Ba Vì hút khách nội đô
Anh Hoa - 30/09/2020 14:31
 
Sau một thập kỷ lên cơn sốt vào năm 2010, đất Ba Vì (Hà Nội) im ắng cả chục năm, đến nay bắt đầu giao dịch nóng trở lại.
Thời gian gần đây, nhiều người lại có xu hướng về Ba Vì mua đất để làm trang trại.
Thời gian gần đây, nhiều người lại có xu hướng về Ba Vì mua đất để làm trang trại.

Nguồn cung đa dạng

Thời gian gần đây, trên các nhóm kín hoặc công khai mua bán bất động sản nghỉ dưỡng, đất vườn, trang trại liên tục xuất hiện nhiều thông tin rao bán, nhu cầu tìm mua đất ở huyện Ba Vì, trong đó thông tin chủ yếu bắt nguồn từ các nhà môi giới.

Tạ Nhất Nam, một môi giới nghiệp dư mới dấn thân vào nghề khoảng 1 năm nay đang tích cực rao bán gấp khoảng 3 ha đất, trong đó có 1.000 m2 đất thổ cư, có thể chia làm 5 sổ đỏ tại xã Vân Hòa. Giá giao dịch nhanh 500.000 đồng/m2 có thương lượng, trong khi giá thị trường hiện tại khu vực này khoảng 1 triệu đồng/m2.

Theo lời giới thiệu của Nam, đây là nơi hội tụ rất nhiều khu nghỉ dưỡng và homestay. Mảnh đất view đẹp nhìn bao quát hết núi Ba Vì, có phong thủy tốt. Phù hợp cho các nhà đầu tư kinh doanh sinh thái, nghỉ dưỡng hoặc làm homestay…

Mới vào nghề môi giới cùng thời gian với Nam, Trần Đức Tâm cũng liên tục bung hàng trên các nhóm trên mạng.

“Hiện đất Ba Vì được giao dịch khá nhiều, trong tháng 7 âm lịch vừa qua, văn phòng tôi vẫn môi giới thành công hơn 20 mảnh, diện tích mỗi mảnh từ 700 đến hơn 1.000 m2. Bên tôi nguồn cung rất đa dạng, từ vài trăm m2 đến 1 ha”, Tâm  nói và cho biết, người mua chủ yếu là dân đang sinh sống ở nội thành Hà Nội. Không hiếm các gia đình có dư chút tiền trên dưới 1 tỷ đồng góp vốn mua chung một mảnh vài ngàn m2, xong chia nhau hoặc để đấy, chờ giá lên thì bán kiếm lời. Tỷ lệ xây dựng chỉ chiếm 10% trong tổng giao dịch, còn lại bỏ hoang.

Không chỉ làm môi giới, Tâm còn kiêm luôn cả đầu tư. Trong đó, đất nền được cậu ưu tiên hơn. “Tôi không đầu tư tập trung một chỗ, chủ yếu đầu tư dài hạn vì xác định đất thì chỉ có ít đi. Nếu đầu tư lướt thì rủi ro cao, có lãi thì chỉ là ăn may, nên tôi đầu tư dài hạn mới có lãi”, Tâm cho biết.

Hiện Tâm đầu tư một mảnh hơn 100 m2 ở xã Phú Cát. Chờ tổ hợp y tế triển khai thì cậu sẽ bán và tin tưởng giá lên hơn 10 triệu đồng/m2 (lúc mua là 5 triệu đồng/m2). Còn mảnh ở xã Vân Hòa, Tâm đang dự định thoát hàng vì giá đất nền ở đây đang dao động khoảng 5 - 10 triệu đồng/m2.

Lực đẩy nhờ… dịch bệnh

Đợt này không riêng gì Ba Vì, mà rất nhiều người đang tìm mua đất nhà vườn ở Hòa Bình, xa hơn họ vào tận Lâm Đồng để mua. Theo những tay môi giới, lực đẩy của năm nay chính là do dịch bệnh, cách ly cả tháng, tâm lý nhiều người muốn tìm một chỗ rộng, thoáng, ít dân để tránh dịch.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, huyện Ba Vì nằm trong khu vực hàng lang xanh, nhằm khuyến khích phát triển các hoạt động du lịch; phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp; khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, các vùng đa dạng sinh thái, các vùng nông nghiệp năng suất cao. Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chung cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.

“Xu hướng nhà đầu tư cá nhân đổ về Ba Vì đông vì nơi đây rấ́t gần nội thành Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, được quy hoạch là lá phổi của Thủ đô, trong tương lai không bị quy hoạch phát triể̉n công nghiệp, nên đảm bảo không khí trong lành…”, Tâm nhận định.

Ba Vì đã từng lên cơn sốt đất vào năm 2010. Đó là thời điểm có ý kiến về việc trung tâm hành chính quốc gia sau này sẽ chuyển về Ba Vì. Những làng quê, ngọn đồi, bìa rừng tại xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh... bị hàng ngàn nhà đầu tư về “cày xới”, giá đất tăng gấp 2-3 lần, từ 70-80 triệu đồng, lên tới 250 triệu đồng/sào.

Nhưng cơn sốt này đến và đi nhanh như một cơn lốc. Chỉ sau hai tháng, nơi này không còn giao dịch khi chính quyền khẳng định “thông tin về trục Ba Vì - Hồ Tây chưa được thông qua và câu chuyện trung tâm hành chính phải 20-30 năm nữa mới có thể bàn đến”. Bong bóng đất Ba Vì “nổ tung”, chôn vùi không ít nhà đầu tư nhanh nhẩu.

Đất Ba Vì đứng im từ đó đến nay mới bắt đầu giao dịch trở lại. Giá hầu như không tăng so với năm 2010. “Tôi vừa môi giới bán lại một mảnh cho khách mua từ năm 2010 với giá 650 triệu đồng. Sau 10 năm lãi được đúng 10 triệu đồng”, Tâm kể. 

Song, tay môi giới này khẳng định, thời điểm này mua đất ở Ba Vì xác suất thắng là cao, vì nhu cầu mua đất nghỉ dưỡng là có thật, không phải ăn theo dự án, giá sẽ ấm lên dần, nhất là dịp cuối năm. Hiện giá giao dịch khoảng 1-1,5 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Nhu cầu cao nhất là những mảnh diện tích từ 500 đến 2.000 m2, vì tầm tài chính 1-2 tỷ đồng nhiều người có.

Thực tế, Ba Vì vẫn luôn là một khu vực tiềm năng, một cơ hội không thể bỏ qua khi nhu cầu đầu tư vào nghỉ dưỡng cuối tuần, trang trại của người dân là có thực. Giới chuyên gia cho rằng, dự án phân lô, bán nền sẽ không hấp dẫn với người mua “lướt sóng” cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khách ngày nay có xu hướng tìm mua những mảnh đất để tự xây dựng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản