Doanh nghiệp ngành sơn đau đầu với hàng nhái, hàng giả
Việt Dũng - 16/10/2020 15:35
 
Tình trạng sơn giả, sơn kém chất lượng tràn lan trên thị trường không chỉ “móc túi” người tiêu dùng, mà còn khiến các doanh nghiệp sản xuất chân chính điêu đứng.
.
Việc sơn giả lộng hành không chỉ móc túi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của những công ty làm ăn chân chính.

Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản và xây dựng, ngành sơn nước, bột bả cũng tăng trưởng mạnh. Nhưng bên cạnh những loại sơn chất lượng tốt, thì cũng có không ít loại sơn chất lượng kém, làm giả sơn có thương hiệu, đang trôi nổi khắp thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng như bị “móc túi”.

Chị Nguyễn Thanh Trúc, ngụ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), một người mua phải sơn kém chất lượng cho biết, do không có nhiều thời gian và kinh nghiệm trong việc đi chọn sơn, nên chị đã lên mạng để tìm nhà thầu. Sau một hồi chọn lựa, chị quyết định giao cho một nhà thầu có mức báo giá thi công là 80.000 đồng/m2. Chỉ sau một mùa mưa, tường nhà chị đã bị phai màu, nấm mốc.

Trường hợp như gia đình chị Trúc không phải là hiếm, bởi tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay rất phổ biến. Trong khi đó, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt được sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã phối hợp với một số ban, ngành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Ngọc Quỳnh, phát hiện tại công ty này đang bày bán kinh doanh 48 sản phẩm sơn tường nhãn hiệu Dulux loại 18 lít đến 20 lít/thùng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường Ninh Bình cũng đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Ninh Bình kinh doanh mặt hàng sơn nhãn hiệu “Deluk” có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Dulux” đang được bảo hộ.

Việc sơn giả lộng hành không chỉ móc túi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của những công ty làm ăn chân chính. Để bảo vệ thương hiệu, ngoài việc trông chờ vào các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cách phòng vệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện truyền thông của Hãng sơn Kova cho biết, biện pháp mà Kova đối phó với nạn hàng giả, hàng nhái là đưa ra mẫu tem chống hàng giả khó làm nhái nhất. Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên phổ biến với các nhà phân phối về việc phân biệt hàng nhái, hàng giả.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Takira Việt Nam cho biết, để tự bảo vệ thương hiệu của mình, Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo đại lý và chăm sóc khách hàng trực tiếp, vì sơn giả, sơn nhái chỉ có thể tuồn vào nếu có sự tiếp tay của đại lý và nhân viên.

Theo bà Phương, đào tạo về sản phẩm không chỉ giúp nâng cao khả năng tư vấn, bán hàng, mà còn giúp các đại lý, nhân viên hiểu và tôn trọng việc kinh doanh sản phẩm một cách nghiêm túc. Ngoài ra, các thông tin phân biệt thật, giả cũng được cập nhật thường xuyên trên website của Công ty nhằm giúp khách hàng có những hiểu biết nhất định về sản phẩm.

Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đỗ Hữu Nhơn, Giám đốc kinh doanh hãng sơn Galaxy tại khu vực phía Nam, nhiều người còn ngại hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này đã vô tình góp phần cho hàng giả, hàng nhái có đất sống.

Trên góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Giám đốc văn phòng Luật sư Thanh Niên cho rằng, tình trạng sơn giả tràn lan là bởi luật pháp chưa nghiêm. Một cửa hàng khi bị phát hiện buôn bán hàng giả chỉ bị tịch thu sản phẩm và xử phạt hành chính tối đa là 20 triệu đồng. Số tiền này là quá nhỏ so với lợi nhuận mà việc kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng mang lại, nên nhiều cơ sở vẫn bất chấp. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, rất cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản