HUD chật vật giữ chỗ đứng
Hà Quang - 12/05/2016 09:06
 
Cùng với Handico và Vinaconex, HUD từng tạo thế “chân vạc” cho thị trường bất động sản những năm 2006 - 2012. Nhưng sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường khiến “đại gia” bất động sản một thời này trở tay không kịp.

“Dứt ruột” giã biệt “những đứa con cưng”

Trong kế hoạch tái cơ cấu, những tháng đầu năm 2016, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà ở và đô thị (HUD) vừa tiếp tục chào bán 1,5 triệu cổ phần (giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần) tại Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng) và 280.000 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng).

Trước đó, cuối năm 2015, HUD cũng “dứt ruột” bán đi đứa con cưng của mình là Khu tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Ánh Dương, diện tích 2,1 ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp (Hà Nội). Sau khi mua lại Dự án, chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần PPC An Thịnh Đà Nẵng đã công bố kế hoạch đầu tư 10.000 tỷ đồng để triển khai tổ hợp gồm 1 tòa chung cư 47 tầng, 2 tòa chung cư 58 tầng và 1 tòa căn hộ - khách sạn cao 47 tầng trên phần đất mà HUD đã bỏ hoang nhiều năm này.

.
HUD vẫn ngập trong "vũng bùn" tồn kho và nợ xấu

Trong năm 2015, một công ty khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc đang đầu tư 2 dự án tại Phú Quốc mà HUD sở hữu cổ phần cũng đã bán cho đối tác. Trong vụ này, HUD đã bán đi 26,6% cổ phần, thu về 56,7 tỷ đồng. Ở các dự án khác như Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao (tỉnh Phú Thọ), Dự án HUD Tower (quận Thanh Xuân, Hà Nội), việc đầu tư kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Cầm Anh Tuấn, Chánh văn phòng HUD, năm 2015, HUD và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh doanh, thu hồi vốn để tái đầu tư, rà soát lại các chi phí; thay đổi hình thức đầu tư hoàn thiện căn hộ cho phù hợp với tình hình thị trường. Tuy nhiên, sự cố gắng của HUD trong năm 2015 sau khi bán đi hàng loạt dự án chỉ mang lại cho đơn vị này khoản lợi nhuận trước thuế là 407 tỷ đồng. Với quy mô và quỹ đất khổng lồ, lợi nhuận mà HUD kiếm được năm 2015 chỉ như “hạt vừng” so với thời kỳ hoàng kim của chính đơn vị này.

Không kịp trở tay

Công ty Phát triển nhà và đô thị (tiền thân của HUD) thành lập năm 1989 từ Ban quản lý nhà ở đường 1A. Năm 2000, HUD được nâng lên thành tổng công ty, các dự án bất động sản phát triển ở nhiều địa phương như Hà Tây (cũ), Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Năm 2010, HUD được thí điểm thành lập Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam bao gồm nhiều đơn vị thành viên lớn như: Viglacera, Hancorp, Viwaseen và Tổng công ty Bạch Đằng. Trong 2 năm thí điểm, HUD có tới 183 đơn vị thành viên, doanh thu năm 2010 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng và đến năm 2011 đạt khoảng 34.410 tỷ đồng.

Nhưng chỉ 2 năm sau, việc triển khai mô hình tập đoàn của HUD không đáp ứng được yêu cầu, nên Chính phủ đề nghị tái tổ chức lại các đơn vị thành viên theo mô hình tổng công ty. Khi đó, vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng. Thời điểm đó, thị trường địa ốc bước vào thời kỳ khủng hoảng, việc đầu tư - kinh doanh của HUD ngày càng khó khăn.

Theo kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015, trong quá trình hoạt động, đặc biệt là từ năm 2011 trở về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay. 

Trong khi thị trường bất động sản những năm gần đây chứng kiến nhiều câu chuyện “thần kỳ” của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thì có một thực tế chua xót khác ít được nhắc tới. Đó là sự đầu tư dàn trải, kinh doanh không theo kịp xu thế thị trường của những “ông lớn” nhà nước như HUD đã làm nên khoảng tối nhất trong bức tranh tồn kho, nợ xấu mà đến nay, thị trường vẫn phải gánh chịu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản