Lại "nóng" chuyện cải tạo chung cư cũ
Trần Gia - 07/06/2017 09:57
 
Cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM lại nóng lên khi chương trình này dù được coi là nhiệm vụ phát triển trọng điểm trong năm 2017, nhưng vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Cải tạo chung cư cũ “đứng bánh”

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo Thành phố đã có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp (DN) địa ốc để trao đổi về Chương trình Cải tạo chung cư cũ.

Tại hội nghị này, ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công Ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Gia Phú cho biết, DN ông rất quan tâm tới Chương trình Cải tạo chung cư cũ của TP.HCM. Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, ông nhận ra rằng, DN ông “không có phần” trong chương trình này.

Chung cư cũ Phạm Văn Đồng tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: G.H
Chung cư cũ Phạm Văn Đồng tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: G.H

Liên quan tình trạng dậm chân tại chỗ của Chương trình Cải tạo chung cư cũ, ông Tuấn phân tích: “Dù TP.HCM có hàng trăm chung cư cũ trong diện cần cải tạo gấp, song các DN chỉ nhắm tới những chung cư cũ nằm tại vị trí đất vàng. Đặc biệt, với những chung cư đất vàng, DN đã “xí phần” không chịu thực hiện, chủ yếu do họ không có vốn thực hiện, nên đợi bán lại dự án cho DN khác hoặc đợi DN khác góp vốn cùng triển khai. Chính vì vậy, Chương trình bị ‘đứng bánh’ trong thời gian qua”.

Trong khi đó, nhiều DN than phiền với lãnh đạo Thành phố rằng, Chương trình phát triển chậm do thủ tục hành chính rườm rà. Ông Võ Văn Bé, đại diện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt cho biết, cách đây 7 năm, công ty ông đã trình đề án xây lại một chung cư sắp sập ở phường 2, quận 10 tới các sở, ngành, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Để làm dự án này, Công ty đã trình phương án khả thi hơn cả quy định của Thành phố, như người dân có nhà 30 m2 được "đổi" căn hộ chung cư mới với diện tích 45 m2.

Cụ thể, trên cơ sở quỹ nhà, quỹ đất của khu chung cư cũ, công ty trên đề xuất xây dựng chung cư mới với các căn hộ có diện tích rộng hơn, hiện đại hơn... Công ty lấy quỹ đất dôi dư để kinh doanh hoàn vốn, tức là ngân sách không bỏ tiền ra. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này vẫn chưa được duyệt.

Nhiều DN cũng thẳng thắn cho biết, việc cải tạo chung cư cũ không đơn giản, bởi thủ tục hành chính nhiêu khê, mất nhiều thời gian, trong khi vấn đề giải phóng mặt bằng cực kỳ nan giải. Tại hầu hết các chung cư cũ, phần lớn nhà dân có diện tích rất nhỏ, nhiều nhà dân trong tình trạng pháp lý mù mờ, nên không có cơ sở để bồi thường, tái định cư, trong khi dân vẫn cố bám trụ không chịu nhận tiền di dời.

Cần loại trừ cơ chế "xin - cho"

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, để tạo thuận lợi cho Chương trình Cải tạo chung cư cũ, cần quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, trong đó có quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất; đảm bảo minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng, loại trừ cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Trước những vướng mắc mà DN đưa ra, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, giải pháp mà Thành phố đưa ra để giải quyết khó khăn này đã có, đó là tập trung phát triển các thành phố vệ tinh. Cụ thể, tập trung phát triển Thành phố về phía Nam (xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước), phía Tây Bắc (xây dựng Khu đô thị Tây Bắc), phía Đông Bắc (khu Thanh Đa), phía Đông (Khu đô thị mới Thủ Thiêm)...

“Phát triển đô thị vệ tinh để hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ bên ngoài vào và ở đó sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ, mua sắm. Chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức xây dựng hệ thống không gian ngầm, trong điều kiện Thành phố không thể mở rộng. Tôi đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tính toán, nhưng không phát triển đơn lẻ, mà phải phát triển đồng bộ hệ thống không gian ngầm”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Theo ông Phong, từ nay đến năm 2020, Thành phố cần khoảng 500.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó, ngân sách Thành phố lo được 34,8%, tức là hơn 60% còn lại trông chờ vào nguồn lực các nhà đầu tư. “Thành phố sẽ nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa kêu gọi đầu tư, giảm thiểu thủ tục cho nhà đầu tư. Tôi mong các DN chung sức phát triển Thành phố”, ông Phong kêu gọi.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố sẽ công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án, đẩy mạnh hợp tác công - tư để tạo nguồn vốn phát triển Thành phố, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư, phải coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản