"Liều thuốc" trị tranh chấp ở chung cư: Căng băng rôn hay kiện ra tòa?
Nguyễn Hà (VnExpress) - 07/05/2019 10:40
 
Các chuyên gia cho rằng, việc căng băng rôn không thể là “liều thuốc” giải quyết tranh chấp tại các chung cư, mà nên thông qua toà án.
 Cư dân một Dự án tại Hà Nội căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Cư dân cung cấp
Cư dân một dự án tại Hà Nội căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Cư dân cung cấp

Tranh chấp chung cư, trong đó trọng tâm là phần về phí bảo trì, "nóng" tới mức, trở thành nội dung Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà phải giải trình trước Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mới đây. Nhiều cuộc hội thảo về chủ đề này cũng liên tiếp được tổ chức trong vòng năm qua. Tuy nhiên, "liều thuốc" đề điều trị tranh chấp ở chung cư vẫn bế tắc. 

Đại diện chủ đầu tư lớn tại Hà Nội thừa nhận, việc một dự án mà cư dân liên tục căng băng rôn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chủ đầu tư. Đồng thời dưới góc độ thị trường, những căn hộ tại dự án đó cũng nguy cơ giảm giá hoặc khó tìm khách thuê. Ông cho rằng, người thuê nhà sẽ không mặn mà với những không gian sống như vậy, đặc biệt là ở những dự án cao cấp, nhiều khách thuê là người nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng căng băng rôn tại các dự án vẫn diễn ra như một phong trào.

Tại một cuộc hội thảo về tranh chấp chung cư, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, ở góc độ thị trường, giá bán căn hộ tại những dự án có tranh chấp, kiện cáo có thể bị giảm 5-10%, thậm chí nhiều hơn và điều đó đồng nghĩa chủ sở hữu phải bán cắt lỗ. 

Ông cũng đề xuất cần có chế tài khi một số cư dân chung cư căng băng rôn, biểu tình một cách phản cảm để phản đối chủ đầu tư bởi đây là một hành động thiếu văn minh, đồng thời không đem lại hiệu quả cho cả đôi bên. 

"Cứ tranh chấp là cư dân gửi đơn lên Chủ tịch UBND thành phố, Thủ tướng, thậm chí là Tổng bí thư mà quên mất việc phân xử tranh chấp tại tòa án", ông nói. 

Bởi vậy, chủ đầu tư và cư dân nên có sự hợp tác, đối thoại để xử lý tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp chưa đạt được kỳ vọng, ông lưu ý vai trò của tòa án trong việc phân xử tranh chấp.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, những tranh chấp chung cư xảy ra từ lâu và bắt nguồn từ việc một số chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chất lượng không đủ, thang máy, điện nước... lệch lạc so với cam kết. Ông thừa nhận, hiện tượng các chủ đầu tư sai phạm trong quá trình triển khai dự án là có. Và việc cư dân bỏ tiền tỷ ra mua nhà đứng lên đòi quyền lợi là chính đáng.

Tuy nhiên, gần đây những vụ tranh chấp chung cư có tiếp diễn phức tạp khi một số nhóm lợi dụng tình hình để kích động, xúi giục cư dân. 

"Nhiều trường hợp một số nhóm kích động cư dân để mưu cầu lợi ích riêng. Đó là biểu hiện tiêu cực và tôi cho rằng cơ quan quản lý cần có động tác càng nhanh càng tốt, không thể để diễn biến xa hơn nữa, ảnh hưởng đến văn minh sống ở chung cư cũng như chiến lược nhà ở quốc gia, khi người mua nhà cảm thấy e ngại với không gian sống này", ông nói. 

Chuyên gia này cho rằng, trong những trường hợp cư dân căng băng rôn, có thể là họ đúng hay chưa thì đó cũng là biểu hiện của một thị trường thiếu lành mạnh. Và chính quyền, cơ quan quản lý cần có can thiệp ngay, không nên để hiện tượng đó kéo dài. 

"Cơ quan quản lý cần làm rõ là đòi hỏi đó của cư dân có chính đáng không. Nếu chính đáng thì phải tiến hành yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Ngược lại, nếu không chính đáng thì cũng phải nêu rõ, không thể để cư dân căng băng rôn suốt nhiều tháng mà không có động thái gì", ông Võ nói. 

Luật sư Trần Bình, Công ty Luật Trần và liên danh (Hà Nội) cho biết, hiện Luật Nhà ở 2014 cũng như các văn bản liên quan đều đã quy định các nội dung cơ bản về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Trên thực tế, có thể nảy sinh một số tranh chấp mang tính tình huống nên có thể gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông, tất cả các bên, thay vì sử dụng những biện pháp tiêu cực để ứng phó với nhau, thì nên dùng công cụ pháp lý để bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình.

"Với mỗi vấn đề mâu thuẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý, hợp đồng và cam kết giữa các bên. Nếu mọi việc để xử lý theo cảm tính thì tôi cho rằng cuộc chiến này sẽ dai dẳng và khó có hồi kết bởi trong khi chủ đầu tư có cái lý về mặt lợi ích kinh tế, thì cư dân khi đứng ở tâm thế là 'thượng đế' nên cũng luôn mong muốn được đáp ứng mọi yêu cầu", ông Bình nhận định. 

Chuyên gia Đặng Hùng Võ cũng hiến kế để giải quyết phong trào căng băng rôn ở các khu chung cư. Thứ nhất là các văn bản pháp luật về chung cư có thể phải quy định chi tiết hơn. Thứ hai là công tác tuyên truyền về văn hoá chung cư là điều cần phải làm ngay. 

"Ở chung cư thì không thể như ở nhà riêng được. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trước nay việc tuyên tuyền cho văn hoá này chưa được chú trọng. Đó là trách nhiệm của cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư... Hiện nay quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ, và cư dân hiện đang bị lộn xộn, không rõ ràng nên các bên còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi triển khai", ông Võ cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản