Năm bội thu của thị trường bất động sản Hà Nam
Thanh Vũ - 25/01/2025 15:10
 
Năm 2024, thị trường bất động sản tỉnh Hà Nam ghi nhận 8.733 giao dịch thành công, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, một doanh nghiệp “chốt” 990 giao dịch đất nền, với tổng giá trị hơn 1.499 tỷ đồng.

Giá nhích lên theo từng tháng

Anh Trần Mạnh Sơn, nhà đầu tư, thường xuyên lái xe hơn 1 tiếng đồng hồ, từ Hà Nội tới Hà Nam để “săn” đất. Vào giữa năm 2023, anh Sơn đã mua một lô gần Trường đại học Công nghiệp cơ sở 3 (phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý).

“Mảnh đất có ngõ rộng khoảng 4 m, giá lúc mua là gần 8 triệu đồng/m2. Đến tháng 8/2024, tôi bán lại với giá hơn 11 triệu đồng/m2. Được biết, những lô thổ cư tại đây đã tăng lên khoảng 15 triệu đồng/m2”, anh Sơn cho hay.

Chia sẻ thêm về dự định cá nhân, nhà đầu tư này khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh Hà Nam, đặc biệt là khu vực thị xã Duy Tiên. Đây là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nên nhà đầu tư có thể xây nhà cho công nhân thuê. Ngoài ra, những mảnh đất mà anh Sơn lựa chọn bắt buộc phải có ngõ thông và đường rộng, tối thiểu là ô tô đỗ cửa.

Theo chia sẻ của anh Văn Chiến, môi giới viên, với những bất động sản nằm xung quanh các dự án lớn, đặc biệt là tại khu vực phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý), mức giá gần như đang nhích lên theo từng tháng. Cụ thể, vào đầu năm 2024, những lô đất có ngõ ô tô đỗ cửa tại phường Lam Hạ chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 40 triệu đồng/m2.

Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang “ăn nên làm ra” theo đà khởi sắc của thị trường. Theo công bố của Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, trong năm 2024, Tập đoàn CEO có tới 990 giao dịch đất nền (tổng giá trị giao dịch hơn 1.499 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành có 374 giao dịch đất nền (gần 296 tỷ đồng)...

Những con số trên cho thấy đà vươn mình mạnh mẽ của thị trường địa ốc tỉnh Hà Nam. Sở Xây dựng cho biết, xét trong cả năm 2024, toàn tỉnh có 8.733 giao dịch bất động sản, tăng khoảng 32%; tổng giá trị giao dịch là 8.489 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023.

Hà Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển dòng tiền

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, nhà đầu tư đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới các tỉnh xung quanh Hà Nội. Trong đó, thị trường Hà Nam ghi nhận lượng tìm kiếm thông tin và giá bất động sản liên tục tăng lên trong thời gian qua.

“Khi mặt bằng giá nhà, đất tại trung tâm Hà Nội tăng mạnh, dòng tiền bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại các vùng ven. Đây được coi là hiệu ứng ‘vết dầu loang’ của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, người mua cần chú ý rằng, không phải tỉnh nào giáp Hà Nội cũng tăng giá”, ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá.

Trước khi xuống tiền tại khu vực vùng ven, vị giám đốc đến từ Batdongsan khuyến nghị rằng, nhà đầu tư nên quan tâm đến 4 yếu tố: tình hình kinh tế của địa phương, quy mô những dự án bất động sản xung quanh, xu hướng chung, tâm lý của thị trường.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, nhà đầu tư nên chú ý tới hoạt động của các dự án lớn trong khu vực. Biến động giá bán và khả năng thanh khoản của các phân khúc như nhà riêng, đất thổ cư thường xuyên thay đổi dựa trên tình hình của những dự án này.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc dự báo, năm 2025 hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển mới đối với thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Hà Nội. Làn sóng dịch chuyển dòng tiền này đang dần trở nên rõ nét hơn, trong bối cảnh giá nhà, đất Thủ đô đang ở mức cao kỷ lục.

“Để gia tăng lợi suất, giới đầu tư sẽ tìm đến các tỉnh lân cận Hà Nội, như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang và Hà Nam. Những địa phương này đang ghi nhận đà phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, thu hút lượng lớn người lao động tới làm việc. Điều này làm gia tăng nhu cầu về nhà ở, tạo ra tiềm năng lớn cho các dự án bất động sản trong khu vực”, ông Vũ Cương Quyết phân tích.

Vị CEO của Đất Xanh Miền Bắc còn tiết lộ thêm rằng, giá căn hộ chung cư tại các tỉnh chỉ bằng 30 - 40% so với mức giá tại Hà Nội, nhưng dòng tiền từ việc cho thuê lại không hề kém cạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tốc độ tăng trưởng, đô thị hóa, tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là sự đầu tư mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông chính là những lợi thế của tỉnh Hà Nam. Đây là địa phương nằm sát Hà Nội, có thể nối các điểm cầu, trọng điểm kinh tế của khu vực Bắc bộ.

“Hà Nam nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong tứ giác kinh tế mở rộng đến Thanh Hóa. Tỉnh cũng nằm trên trục chính cao tốc Bắc - Nam. Do đó, dư địa phát triển của Hà Nam còn rất lớn. Tỉnh đã có tốc độ đô thị hóa tốt, đứng tốp đầu khu vực đồng bằng Bắc bộ. Nếu biết cách khai thác các lợi thế và kêu gọi nhà đầu tư lớn, Hà Nam sẽ tăng trưởng rất nhanh”, ông Đính đánh giá tiềm năng phát triển của tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia của VARS đánh giá rằng, giá bất động sản tại tỉnh Hà Nam vẫn đang tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới của thị trường, hoạt động giao dịch có thể sẽ sôi động hơn nữa, khiến giá tăng lên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản