Người trẻ nên mua hay thuê nhà?
Sự bùng phát của dịch bệnh không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc vỡ kế hoạch ra hàng, mà khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà cũng phải tính toán lại.

Vỡ kế hoạch

Anh Bình (Hà Đông, Hà Nội) mất cả năm trời đắn đo suy nghĩ, bàn lên tính xuống với vợ và 2 bên gia đình để mua một căn hộ chung cư diện tích khoảng 60 m2, với mong muốn thoát cảnh ở trọ nay đây mai đó.

Với số tiền tiết kiệm khoảng 240 triệu đồng, anh Bình dự kiến vay thêm bạn bè, họ hàng nội ngoại khoảng 150 triệu đồng để đủ 30% giá trị căn hộ, số còn thiếu sẽ vay ngân hàng. Với thu nhập của 2 vợ chồng gần 30 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh dự tính đủ sức để trả tiền gốc và lãi vay hàng tháng cho ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu của gia đình.

Thế nhưng, khi mọi tính toán đã xong và dự định đợi hết tháng Giêng sẽ xuống tiền thì dịch Covid-19 xuất hiện khiến anh chị vỡ kế hoạch mua nhà.

Có được căn nhà ở thành phố để an cư là mơ ước của nhiều gia đình trẻ nhập cư
Có được căn nhà ở thành phố để an cư là mơ ước của nhiều gia đình trẻ nhập cư

Bởi do ảnh hưởng của dịch, công việc làm ăn của công ty bị gián đoạn, thu nhập của 2 vợ chồng theo đó cũng giảm một nửa trong 2 tháng vừa qua, khiến kế hoạch vay tiền ngân hàng mua nhà không khả thi.

"Giờ không biết sao nữa, dù rất muốn mua, nhưng 2 tháng nay thu nhập sụt giảm mạnh quá nên cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện mua nhà nữa. Nếu vẫn quyết theo kế hoạch vay ngân hàng mua nhà, mà dịch kéo dài thì không còn đủ tiền chi tiêu trong gia đình. Chắc lại phải tính lại từ đầu", anh Bình thở dài.

Trong khi đó, vợ chồng anh chị Tuấn Thúy, ở quận Nam Từ Liêm đã nhanh chân hơn khi đã vay tiền mua nhà từ năm trước và giờ đã dọn về ở. Tuy nhiên, việc trả nợ của anh chị đang gặp khó khăn khi thu nhập từ đầu năm tới nay sụt giảm. Tiền lương của 2 vợ chồng vừa đủ tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền trả nợ cho khoản vay tới gần 700 triệu đồng chủ yếu là từ làm thêm ngoài giờ của anh và quán ăn vặt nhỏ buổi đêm dưới chân một tòa chung cư của chị. Thế nhưng, 2 tháng vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc làm thêm của anh không nhiều, trong khi quán cũng vắng khách. Vì vậy, anh chị Tuấn Thúy đang đau đầu xoay xở khoản tiền trả ngân hàng cả gốc và lãi gần 11 triệu đồng/tháng.

"Đợt này căng quá chú ạ. Cứ tưởng dịch đã được khống chế, công việc làm ăn sẽ ổn định trở lại, ai dè nó lại bùng phát. Cứ thế này khéo không trụ được lâu, chắc phải bán nhà mất”, anh Tuấn than thở.
Mơ ước có nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa
Mơ ước có nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa

Nên mua nhà nhưng phải có bài toán tài chính tốt hơn

Câu chuyện của hai gia đình anh Bình và anh Tuấn không phải cá biệt, mà là tình cảnh chung của rất nhiều gia đình trẻ hiện nay.

Sau khi lập gia đình, có công việc ổn định, nhiều cặp vợ chồng trẻ nhập cư sẽ phấn đấu để có nhà thành phố. Tuy nhiên, việc nên ở nhà trọ để tích lũy đủ tiền mua nhà, hay mạnh dạn vay tiền để mua nhà đang là câu hỏi không dễ trả lời của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Xuân Hiệu, Tổng giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Bắc Thái cho rằng, so với việc thuê nhà để ở, thực ra nếu đủ khả năng thì việc vay mua nhà trả góp 10 - 20 năm là hợp lý và tốt hơn rất nhiều. Bởi với tâm lý nhà của mình, người mua sẽ thoải mái hơn so với nơm nớp lo lắng như ở trọ, chưa kể các điều kiện tốt hơn về cuộc sống và cũng đôi khi là "mua nhà thì đổi vận".

Thực tế, nếu chịu khó tìm tòi và có sự chuẩn bị tốt, thì mua nhà vào thời điểm này không phải quá xấu, bởi giá của nhiều dự án chung cư đang chững lại, nhiều dự án tung ra các chương trình hỗ trợ người mua nhà rất tốt. Dẫu vậy, điều quan trọng là phải biết tính toán bài toán tài chính sao cho phù hợp. Cụ thể, số tiền phải trả (cả gốc và lãi vay) hàng tháng cho ngân hàng nằm phải trong thu nhập tối thiểu của mình.

Trong khi đó, ông Trịnh Nguyễn Tuấn Anh, Founder King Broker cho rằng, những gia đình trẻ cần chỗ an cư nhưng chỉ có khoảng có 300 - 400 triệu đồng tích lũy thì tuyệt đối không nên mua nhà to, không nên vay nhiều tiền, vì sẽ phải gánh lãi suất rất lớn.

Giải pháp tối ưu nhất là nên mua nhà giá rẻ, tính toán sao cho lãi vay và nợ gốc phải trả hàng tháng không vượt tiền thuê nhà. Nếu có khoản tích lũy lên đến bạc tỷ và thu nhập tăng cao, cũng nên tính tới việc đổi nhà.

“Nếu tài chính chưa sẵn sàng, đừng quá lạm dụng việc đi vay, vì lãi suất mua nhà trả góp thả nổi có thể gây bất ổn cho cuộc sống. Lý tưởng nhất là không vay quá 50% giá trị của căn nhà và tiền trả nợ hàng tháng không được quá 50% mức thu nhập của gia đình. Bài toán này tóm gọn trong công thức: ở trọ mất tiền, mua căn hộ bằng tiền thuê nhà tích lũy được tài sản”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, người trẻ hoặc những gia đình mua nhà lần đầu hiện nay nên hướng tới các dự án chung cư giá rẻ để giảm áp lực về tài chính.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, thời điểm này, số lượng dự án nhà giá rẻ (có giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn) hoặc nhà ở xã hội rất hiếm. Hiện tại thị trường Hà Nội chỉ có một số ít dự án nhà ở xã hội đang mở bán như Ecohome 3 (Bắc Từ Liêm), IEC Thanh Trì (Thanh Trì), Bamboo Garden (Quốc Oai), AZ Thăng Long (Hoài Đức), khu tái định cư Đông Hội (Đông Anh), nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), dự án nhà ở tại Kiến Hưng (Hà Đông).

Các dự án này có nguồn cung ít, trong khi nhu cầu cao, nên không dễ để mua người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở mua được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản